Già hóa dân số Việt Nam nhanh “chóng mặt”

(Dân trí) - Trong khi các nước trên thế giới mất cả gần 100 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa sang dân số già thì Việt Nam chỉ mất 15 -20 năm. Việt Nam được xếp vào nhóm có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số tại diễn ra ngày 25/9 do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo điều tra Dân số, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ NCT trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Trong khi đó, nếu NCT từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số (hoặc 7% người từ 65 tuổi trở lên) được gọi là già hóa dân số, nếu người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% (14% từ 65 tuổi trở lên) là dân số già.

“Nếu năm 2012 khoảng 11 người dân mới có 1 NCT thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 NCT, năm 2049 cứ 4 người dân có 1 NCT. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản 26 năm”, ông Tân cho biết.

Số NCT tăng lên nhưng số người sống độc thân, gia đình hạt nhân cũng tăng lên. Do đó, mô hình gia đình đang có nhiều biến động lớn. Năm 1993 vẫn có tới 80% NCT sống với gia đình, nhưng hiện nay chỉ còn 72,3% và đang giảm dần. Theo điều tra quốc gia về NCT, có đến 30% NCT cho biết không thể chia sẻ khi buồn. 11% bị nói nặng lời, 4% bị từ chối nói chuyện và 1,6% bị đánh đập, đe dọa.

Mặc dù tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật vẫn đè nặng lên sức khỏe NCT với 95% người cao tuổi mang bệnh mãn tính không lây nhiễm. Điều tra quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, trong tổng số hơn 9 triệu NCT, chỉ có 4,8% số họ có sức khỏe tốt và rất tốt, 67,2% là yếu và rất yếu. 95% NCT có bệnh. Nhưng lại có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Đặc biệt, tỷ lệ NCT ở nông thôn bị đau ốm hoặc chấn đương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế rất thấp chỉ chiếm 13% (23,5% ở thành thị).

Ông Arthur Arken – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra ở tất cả các khu vực và các quốc gia ở các mức độ khác nhau. Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Theo dự báo số người cao tuổi (NCT) Việt Nam sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.

Hồng Hải