Ghép tế bào dây rốn cho cặp song sinh suy tủy xương
(Dân trí) - Cặp song sinh 5 tuổi suy tủy xương, trong tình trạng nguy kịch có thể tử vong bất cứ lúc nào bởi lượng tiểu cần xuống thấp, luôn ngấp nghé con số 0. Cơ hội sống đã mở ra với hai bé gái xinh đẹp này, khi các bác sĩ tìm được tế bào dây rốn phù hợp trong ngân hàng máu cuống rốn.
Cặp song sinh Nguyễn Yến Phương và Nguyễn Hải Phương (Bắc Ninh) như là “người nhà” với các bác sĩ khoa Nhi (Viện huyết học truyền máu TƯ) bởi thời gian nằm viện là liên tục. Cứ ra rồi vào, cuộc sống của hai bé gắn liền với bệnh viện, với truyền máu bởi căn bệnh suy tủy xương hiếm gặp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, truyền máu cũng không còn đáp ứng, tính mạng hai bé rất nguy kịch.
Trước đó, cặp song sinh này được chẩn đoán là bị suy tủy xương bẩm sinh, điều trị ở bệnh viện Nhi TƯ đến năm 2 tuổi thì chuyển sang khoa Nhi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị tiếp được 3 năm. Từ trước đến giờ, phương pháp điều trị cho 2 bé là truyền máu 1 lần/ tuần. Tuy nhiên tình trạng hiện tại lượng tiểu cầu của hai bé xuống quá thấp, có thời điểm là về 0, tính mạng đang hết sức nguy kịch và bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Phương pháp cuối cùng có thể mang lại sự sống cho các bé là ghép tế bào gốc.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, trước tình cảnh nguy kịch của hai bệnh nhi, ghép tế bào gốc là cơ hội cuối cùng. Tuy nhiên để tiến hành đồng thời một lúc 2 ca ghép tế bào gốc là không đơn giản không chỉ bởi chi phí mà quan trọng hơn, cần tìm nguồn dây rốn phù hợp.
Sau khi báo Dân trí đăng tải về hai trường hợp này, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ, chia sẻ kinh phí để cặp song sinh có thể được ghép tủy. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã “lục tung” dữ liệu từ ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp với hai bé.
Khi tìm thấy nguồn tế bào gốc phù hợp với hai bé, các bác sĩ, gia đình như trút bớt được nỗi lo đè nặng trong tim bởi nguy cơ trẻ tử vong bất cứ lúc nào là hiện hữu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa chất một tuần và đến 30/10/2015, cặp song sinh mắc bệnh suy tủy xương đã được các bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiến hành truyền tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại phòng vô cùng bởi để đánh giá sinh tủy tốt hay không phải đợi thêm thời gian.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa ghép của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Đây là hai ca ghép vô cùng phức tạp. Bởi bệnh nhi đã trải qua quá trình điều trị dài ngày, phải truyền máu nhiều. Hơn nữa, do cặp song sinh không có anh chị em ruột để hiến tế bào gốc, nên phải dùng nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng với nguy cơ thải ghép rất cao, tỷ lệ thành công là rất thấp (tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 30% - 40% ngay tại các nước phát triển)".
Tuy rất khó khăn, nhưng chỉ còn một cơ hội cuối cùng, nếu không thử thì cuộc đời hai bé chắc chắn sẽ khép lại, vì thế, ban lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ của Viện đã tìm được 2 mẫu tế bào máu dây rốn phù hợp nhất; đồng thời cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, cũng như các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong xã hội và sự đồng lòng, nhất trí của gia đình hai bé vẫn quyết định truyền tế bào gốc máu dây rốn.
Trước đó do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Báo Dân trí, kêu gọi nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, quyên góp kinh phí cho các cháu được tiến hành ca ghép. Theo ước tính chi phí cho mỗi ca ghép máu dây rốn ngoài bảo hiểm chi trả, gia đình phải đóng thêm từ 600 đến 800 triệu đồng cho mỗi ca ghép.
Hồng Hải – Vương Tuấn