1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ghép đầu người: ý tưởng hay trò PR?

Sau nửa năm bặt tiếng, tuần qua nhà phẫu thuật thần kinh người Ý Sergio Canavero lại xuất hiện trên báo chí với tuyên bố lần đầu tiên ghép đầu người thành công. Ý tưởng và phát biểu này một lần nữa bị giới khoa học chỉ trích.

Không chuẩn mực khoa học

Thật ra đó không phải là ghép đầu cho người sống, mà là ghép đầu cho một xác chết diễn ra ở Trung Quốc. Ca ghép được thực hiện bởi bạn thân của bác sĩ Canavero, bác sĩ Xiaoping Ren của đại học Y khoa Harbin, người năm qua đã ghép đầu khỉ thành công.

Bác sĩ Sergio Canavero tin rằng, ông sẽ thực hiện thành công ca ghép đầu người sống đầu tiên vào tháng tới tại Trung Quốc.
Bác sĩ Sergio Canavero tin rằng, ông sẽ thực hiện thành công ca ghép đầu người sống đầu tiên vào tháng tới tại Trung Quốc.

Ở cuộc họp báo tại Vienna (Áo) tuần qua, bác sĩ Canavero cho biết ca ghép ở Trung Quốc “thành công” khi thần kinh, mạch máu và tuỷ sống của hai phần đã dính nhau. Như thế, vào tháng tới ông sẽ tiến hành ca ghép đầu người sống đầu tiên trên thế giới, đó là một người có cơ thể lành lặn nhưng chết não được ghép một đầu người khoẻ mạnh.

Tại sao ghép ở Trung Quốc? Bác sĩ Canavero cho rằng vì cộng đồng y học phương Tây không cho phép ông ghép đầu. Ông nói: “Người Mỹ không hiểu gì hết”. Theo Canavero, chi phí cuộc ghép và công tác chuẩn bị khoảng 100 triệu USD, cần rất nhiều phẫu thuật viên và chuyên gia các lĩnh vực khác nhau. Ông mô tả mình sẽ cắt rời tuỷ sống người cho và người nhận bằng một chiếc dao kim cương. Để không cho não người nhận chết trước khi ghép vào cơ thể, não sẽ được làm lạnh trong một tình trạng hạ nhiệt sâu.

Ca ghép dự kiến diễn ra trong hơn 24 giờ, người cho lẫn người nhận được giữ trong tư thế ngồi để thuận lợi cho việc tách rời rồi gắn lại các xương sống, khí quản, thực quản, hệ thống mạch máu và các cấu trúc vùng cổ khác. Lúc này, máy móc vẫn giữ cho người nhận đầu thở bình thường và bơm máu đi khắp cơ thể.

Chỉ với một số thông tin ít ỏi như thế, Canavero đã khiến phần lớn giới y học phải nghi ngờ. Nữ tiến sĩ Assya Pascalev, chuyên gia đạo đức y sinh của đại học Howard (Mỹ) nói: “Chúng ta không có đủ thông tin về những gì Canavero đã làm, đặc biệt là tỷ lệ thành công và thất bại khi ông ta thử nghiệm trên động vật. Kết quả này cần được công bố trên tạp chí khoa học để mọi người thẩm định”.

Cũng theo Pascalev, việc ghép tay, ghép mặt hay ghép đầu lần đầu tiên phải được tiến hành theo những quy định chặt chẽ, nhưng Trung Quốc lại không chuẩn mực như Mỹ hay châu Âu, vì thế ca ghép đầu của Canavero thực hiện ở Trung Quốc cũng là dễ hiểu.

Bà nói: “Nếu ca ghép thành công, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn chưa được trả lời về người được ghép đầu. Chẳng hạn như người nam hay người nữ này có quyền có con được tạo ra bởi cơ thể mới hay không. Không chỉ là xem xét với cái đầu mà chúng ta phải xem xét với toàn bộ con người mới”.

Canavero không đáng tin

Tháng 1/2016, Canavero tuyên bố ghép thành công đầu khỉ, nhưng cho đến nay ông lại không cung cấp đủ bằng chứng để thuyết phục cộng đồng khoa học. Mới nhất, ca ghép đầu trên xác người ở Trung Quốc, ông cũng chỉ đưa ra vài thông tin dù hứa hẹn sẽ công khai mọi chuyện trên một tạp chí khoa học trong vài ngày tới.

Thực tế trước nay, Canavero chỉ công bố nghiên cứu trên những tạp chí nhỏ và gây tranh cãi như Surgery và Surgical Neurology International, vì thế giới học thuật không hề chú ý. Năm 2015, khi Canavero lần đầu tiên đưa ra ý tưởng ghép đầu, nhà đạo đức y học hàng đầu của Mỹ Arthur Caplan đã nói trên tờ Forbes, ông loại bỏ ý tưởng này khỏi đầu mình vì nó “tệ hại về mặt khoa học và xuống cấp về mặt đạo đức”.

Đáp trả chỉ trích của đồng nghiệp, Canavero cho rằng các nhà đạo đức y sinh phương Tây cần ngưng lại việc thống lĩnh thế giới. Ông nói: “Ai đưa nước Mỹ lên mặt trăng? Đó là Wernher von Braun”. Nói điều này ông muốn ám chỉ nếu nhà khoa học Đức này đã giúp phát triển chương trình vũ trụ của Mỹ, thì ông cũng làm như thế để phát triển y học Trung Quốc.

Nhưng trên tờ The Guardian ngày 17.11 vừa qua, bác sĩ người Anh chuyên khoa thần kinh Dean Burnett đã phản bác lại những tuyên bố “thành công” trong chuyện ghép đầu của Canavero. Ông viết: “Tháng 1.2016, Canavero cho biết ghép đầu khỉ thành công, nhưng sự thật con khỉ đó không lấy lại được ý thức và nó chỉ được giữ tồn tại trong 20 giờ. Nếu sống tiếp, có lẽ nó sẽ bị liệt suốt đời. Vậy có gọi là “thành công” hay không? Vừa qua Canavero lại tuyên bố ghép đầu người “thành công”, nhưng đó chỉ là một xác chết! Có lẽ người ta sẽ làm chủ được kỹ thuật bảo quản đầu và gắn nó vào thân người, nhưng còn lâu lắm mới tạo ra được một con người có thể đi loanh quanh với đầy đủ chức năng của cơ thể”.

Mới đây, Jerry Silver, giáo sư thần kinh học của đại học Ohio (Mỹ) cũng nói trên tờ Newsweek, về mặt kỹ thuật việc ghép đầu có thể thực hiện được nhưng người được ghép sẽ sống trong sự đau đớn khủng khiếp. Ông nói: “Tất cả xương, cơ bắp và thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng. Bạn có tưởng tượng nổi cơn đau đớn khi tất cả chúng bị cắt ra không? Điều đó rất tệ hại và cái đầu sẽ thức dậy trong sự đau đớn”.

Dường như mọi thứ đang chống lại Canavero, nhưng ông vẫn bình thản: “Khoa học dạy chúng ta rằng khi bạn đề nghị một điều gì đó lạ đời thì bạn phải đối mặt với chỉ trích. Nếu không có chỉ trích, bạn sẽ nói rằng điều đó chẳng có gì đặc biệt”.

Canavero cho biết thời điểm chính xác để ghép đầu cho người sống sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Để xem sự thật ra sao hay đây chỉ là chiêu PR tên tuổi cho các đối tác?

Theo Châu Giang

Thế giới tiếp thị