Gây mê: Nhiều tai biến có thể gây tử vong

Sốc thuốc gây mê là trường hợp ít gặp, tuy nhiên, mới ở VN đã xảy ra một trường hợp tử vong tại BV Hoàn Mỹ cơ sở 1 (TPHCM), sau khi thực hiện nội soi dạ dày có gây mê.

Chưa tìm được giải thích thỏa đáng

 

Theo nhận định ban đầu của BV Hoàn Mỹ, bệnh nhi Thịnh tử vong có lẽ do sốc thuốc gây mê. Song, bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, Giám đốc BV Hoàn Mỹ cơ sở 1, cho biết sau sự cố trên, BV đã họp chuyên môn để tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa tìm được giải thích thỏa đáng cho trường hợp này. Hiện BV đang chờ kết luận cuối cùng của Hội đồng Khoa học.

 

Cháu Thịnh được đưa vào phòng để làm thủ thuật nội soi lúc 10h 55 phút ngày 13/7. Trước đó, các bác sĩ chuẩn bị nội soi không gây mê nhưng do Thịnh khóc, không hợp tác nên bác sĩ Cao Hùng Phong không thể nội soi được. Sau đó, gia đình cháu đã liên hệ với bác sĩ điều trị thông báo tình trạng của cháu. Bác sĩ điều trị đã yêu cầu BV cố gắng thực hiện nội soi gây mê; đồng thời giải thích cho người thân cháu Thịnh và được đồng ý.

 

Các xét nghiệm trước khi gây mê cho kết quả nằm trong giới hạn bình thường. Trong hơn 1 phút nội soi, không thấy có biểu hiện gì bất thường về mặt lâm sàng, kết quả nội soi dạ dày là viêm xung huyết hang vị.

 

Sau khi rút ống nội soi vào lúc 11h5 phút, nồng độ SpO2 của Thịnh đột ngột giảm từ 100% xuống còn 90%, có ít đờm nhớt, bụng chướng vừa. Các bác sĩ đã móc đờm nhớt, cho cháu nằm đầu ngửa, úp mặt nạ ôxy qua hệ thống Jackson Ree. Bệnh nhi thở yếu, bác sĩ gây mê bèn đặt nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ qua hệ thống Jackson Ree cùng ê kíp bác sĩ trực cấp cứu, hồi sức. Bác sĩ cấp cứu đã sử dụng Atropin và Adrenalin tiêm tĩnh mạch qua đường truyền đặt sẵn trước khi gây mê. Hơn 10 bác sĩ đã tích cực phối hợp hồi sức cấp cứu cho Thịnh. Song, sau 1 tiếng 25 phút cấp cứu, Thịnh đã tử vong.

 

Nhiều nguyên nhân tai biến

 

Theo một bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức tại TPHCM, sự cố bệnh nhi Thịnh là trường hợp tai biến trong nội soi dạ dày ở trẻ em. Về mặt nguyên lý, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến ở trường hợp này, như có thể đưa ống nội soi vào dạ dày quá sâu gây chảy máu; do thuốc gây mê quá liều; do bác sĩ gây mê không kiểm soát được đường thở hoặc cũng có thể là do cơ thể phản ứng với thuốc dẫn đến sốc thuốc.

 

Trước khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ thường thử phản ứng trên bệnh nhân để xác định có dị ứng thuốc hay không. Song, do tỉ lệ gây phản ứng ở thuốc gây mê rất thấp nên tất cả thuốc gây mê đều không có chỉ định thử trước khi tiến hành gây mê.

 

Gây mê là phương pháp vô cảm bằng cách nhiễm độc có định lượng và có kiểm soát nhằm làm mất tạm thời ý thức cảm giác và các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương và bệnh nhân sẽ hồi phục sau đó mà không để lại di chứng.

 

Gây mê rất quan trọng trong suốt quá trình phẫu thuật. Tai biến nguy hiểm nhất do gây mê thường được ghi nhận là về tim mạch, gây rối loạn nhịp tim hoặc tử vong tức khắc. Trong một số trường hợp khi ngừng tim, nếu bác sĩ ngừng ngay thuốc mê thể khí, cho bệnh nhân thở ôxy, tiến hành ngay các kỹ thuật hồi sức về tim mạch kịp thời, thì có thể cứu sống bệnh nhân.

 

Bên cạnh đó, sự trụy tim, trụy mạch cũng là hiện tượng thường gặp. Những nguyên nhân chính dẫn đến trụy mạch là do quá liều thuốc mê dẫn đến tụt huyết áp, thiếu ôxy kéo dài, không bù đủ khối lượng máu tuần hoàn trong các phẫu thuật mất nhiều máu, tăng CO2 máu ở giai đoạn cuối...

 

Ngoài ra, còn có các tai biến nghẽn đường thở do dị vật, tụt lưỡi, rơi răng, hoặc các van của máy thở, máy gây mê không hoạt động hay sức cản trở của máy thở dẫn đến thiếu ôxy. Nhiều tình huống dẫn đến tai biến từ gây mê khác như tai biến về thần kinh, gan, thận do không chịu thuốc...

 

Theo Nhất Phương

Người lao động