1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Bình:

Gặp lại người đàn ông sống nhờ “sạc điện vào tim”

(Dân trí) - Hơn mười năm mắc căn bệnh giãn cơ tim quái ác, có lúc tưởng chừng cái chết đã cận kề nhưng anh Hoàng Quốc Biên (SN 1974), huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã sống lại như một phép mầu nhờ “sạc điện vào tim”.

Hơn 10 năm sống cùng với bệnh “cơ tim giãn”

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ nằm cạnh con đường nhỏ dẫn vào thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy Trung, anh Biên chia sẻ nhiều chuyện về cuộc đời một người đàn ông làm nghề chài lưới nơi vùng biển nghèo khó.

Thưở nhỏ, anh Biên đã theo cha mẹ làm nghề chài lưới, đến năm 20 tuổi, anh kết hôn cùng với người phụ nữ cùng quê, theo nghề biển. Ba đứa con lần lượt ra đời, đứa con trai đầu năm nay cũng đã 18 tuổi. Hai vợ chồng cùng nhau chung tay từng mẻ lưới, đồng lòng trên những chuyến đi.

Cuộc sống vùng biển vốn nghèo khó, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, vợ chồng anh đã cất được một ngôi nhà nhỏ, có chỗ tránh nắng trú mưa, với cái nghề “ngư phủ” gia đình đủ cái ăn cái mặc, sống tạm bợ qua ngày.

Anh Hoàng Quốc Biên sống nhờ bộ sạc điện tim luôn mang theo bên mình
Anh Hoàng Quốc Biên sống nhờ bộ sạc điện tim luôn mang theo bên mình

Năm 2003, trong một chuyến đi biển trở về, anh thấy trong người không được khỏe, cộng thêm đó là nhiều triệu chứng tức ngực, khó thở và ngất xỉu sau đó. Gia đình liền tức tốc đưa anh vào bệnh viện và bàng hoàng khi biết anh bị căn bệnh suy tim.

Từ đó đến giờ đã hơn 10 năm, anh Biên đành phải chấm dứt những chuỗi ngày lênh đênh trên biển để tập trung lo cho sức khỏe của mình, trong mười năm qua, anh vào ra viện không biết bao lần kể xiết.

Khoảng đầu năm 2014, anh gần như không còn làm được việc gì sau khi bệnh trở nặng, các bác sỹ ở Bệnh viện Trung ương Huế kết luận anh bị giãn cơ tim giai đoạn cuối. Đau đớn vì căn bệnh tim liên tục hành hạ, khiến thân hình anh ngày càng gầy guộc, có những lúc tưởng chừng như cái chết cận kề với mình, nhưng anh vẫn gắng gượng để sống, tiếp tục chiến đấu với chuỗi ngày tật bệnh và hi vọng vào một phép mầu.

Chị Ngô Thị Dương (SN 1979), vợ anh tâm sự: “Nhà đã nghèo, chồng thì đau yếu bệnh tật, con thì còn quá nhỏ để phụ giúp được gia đình. Nhưng cũng may mắn là sau khi phẫu thuật để ghép tim nhân tạo bán phần thì sức khỏe anh cũng đã khá hơn. Anh sống làm động lực cho cả gia đình”.

Sống nhờ bộ sạc điện luôn mang theo bên mình

Đang trong cảnh nằm chờ chết, bất ngờ số phận mỉm cười với anh khi một Trung tâm y học hiện đại ở Mỹ chọn Bệnh viện Trung ương Huế để thí nghiệm ghép tim bán phần duy nhất cho một bệnh nhân. Trong số hàng chục bệnh nhân có cùng cảnh ngộ anh Biên đã may mắn được chọn để thí điểm ca phẫu thuật.

Thiết bị 
Thiết bị hỗ trợ tâm thất (còn gọi là bộ sạc điện tim)

Ngày 6/6, vừa qua ca phẫu thuật ghép tim bán phần đầu tiên tại Việt Nam được diễn ra, dưới sự hộ trợ và tư vấn của các chuyên gia đến từ bệnh viện Saint Vincent (Australia) phối hợp với Giáo sư Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã thành công ngoài mong đợi.

Anh Biên đã được sống nhờ vào sự tiến bộ của khoa học hiện đại và là người đầu tiên của Việt Nam mang quả tim nhân tạo bán phần. Từ lúc xuất viện về nhà đến nay, bất cứ đi đâu trên người anh cũng phải mang theo máy hỗ trợ tâm thất (còn gọi là bộ sạc điện tim).

Điểm nối giữa bộ sạc điện vào trong cơ thể để giúp anh duy trì sự sống
Điểm nối giữa bộ sạc điện vào trong cơ thể để giúp anh duy trì sự sống

Theo lời anh Biên, thiết bị này hoạt động dựa vào nguồn điện cung cấp, khi nào hết cứ mang ra xạc, thiết bị này có tác dụng như một máy bơm, được gắn vào vị trí tâm thất của quả tim (nơi đang bị suy yếu, giãn cơ) và có hỗ trợ chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể.

Sau hơn 3 tháng phẫu thuật anh đã được các y bác sĩ cho về nhà để tự điều trị, và hiện nay sức khỏe anh cũng khá lên rất nhiều. Cứ mỗi tháng anh lại vào Bệnh viện Trung ương Huế để tái khám một lần, nhưng đi đâu, làm gì cũng phải mang theo bộ sạc pin bên người.

Cuộc đời đã không ngoảnh mặt với anh, với bộ sạc điện tim, con người anh không còn những cơn đau quằn quại, co thắt. Nhưng anh chỉ luyến tiếc một điều rằng, cuộc sống giờ đây như người tàn tật, không thể tiếp tục làm việc để phụ giúp gì cho gia đình mình.

Bất cứ đi đâu anh cũng phải mang theo bộ sạc điện tim bên mình rất bất tiện
Bất cứ đi đâu anh cũng phải mang theo bộ sạc điện tim bên mình

Kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn nữa, mặc dù chi phí phí phẫu thuật miễn phí. Tuy nhiên, mỗi tháng anh lại phải vào Huế khám định kỳ, chi phí đi lại, ăn uống rất tốn kém, kèm theo đó là gánh nặng thuốc men. Hiện mỗi tháng anh phải ngốn hết 600 ngàn tiền thuốc men điều trị.

Rời nhà anh, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống chân chất chỉ biết ra khơi bám biển sống qua ngày qua tháng đang rất lạ lẫm khi thấy có người bằng xương bằng thịt ngày ngày sống nhờ vào nguồn điện.

 

Phúc Lịnh – Đặng Tài