Gần 1.000 người nhìn lại ánh sáng nhờ được ghép giác mạc

(Dân trí) - Ngày 29/1, TS.BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa kết mạc, Giám đốc Ngân hàng Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, từ năm 2007 đến nay đã có gần 1.000 bệnh nhân được ghép giác mạc, giúp họ nhìn lại được ánh sáng.

Từ năm 2007 - thời điểm có người đầu tiên hiến giác mạc đến nay, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được khoảng 250 giác mạc từ trên 120 người hiến tình nguyện ở 12 tỉnh, thành. Ngoài ra, BV còn tiếp nhận hơn 800 giác mạc viện trợ từ các tổ chức nhân đạo quốc tế và giác mạc từ nguồn chấn thương phải loại bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc còn tốt. Từ các nguồn trên, BV đã thực hiện gần 1.000 ca phẫu thuật ghép giác mạc giúp người mù tìm lại ánh sáng.

Hiện tại, BV đang có khoảng 600 người chờ để ghép giác mạc. Trung bình mỗi ngày, có ít nhất một bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc, tuy nhiên mỗi năm chỉ có khoảng 100 - 150 giác mạc được cung cấp để ghép.

Theo bác sĩ Đông, giác mạc chỉ được lấy sau khi người cho đã qua đời và ai cũng có thể hiến tặng giác mạc. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

“Tôi hi vọng sẽ ngày càng có nhiều người đăng ký hiến giác mạc bởi khi qua đời, việc lấy giác mạc không hề ảnh hưởng gì đến đôi mắt, khuôn mặt của người bệnh. Nếu có được nguồn hiến này việc ghép giác mạc đem lại ánh sáng cho nhiều người bệnh sẽ thuận lợi hơn. Bởi hiện nay, trong gần 1000 ca được ghép giác mạc thì phần lớn là nguồn giác mạc từ tổ chức nhân đạo quốc tế. Việc vận chuyển giác mạc từ quốc tế về Việt Nam chi phí đắt, quá trình vận chuyển phải mất từ 10-12 ngày. Càng để lâu thì chất lượng giác mạc càng giảm và không có lợi cho sự phục hồi thị lực của người bệnh”, TS Đông nói.

Tú Anh