1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gạch nóng đổ lên người, bé trai bỏng toàn thân khi kiếm tiền phụ gia đình

Biên Thùy

(Dân trí) - Trong lúc làm việc kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, bé trai bị các viên gạch nóng đổ lên người, khiến toàn thân bỏng nặng.

Đó là trường hợp của N.V.L. (15 tuổi), bệnh nhi phải điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) thời gian dài. Trước đó vào ngày 7/11, bệnh viện tiếp nhận bé L. trong tình trạng bỏng toàn thân và tứ chi độ 2-3, diện tích 40%.

Khai thác bệnh sử, tai nạn xảy đến với L. tại một lò gạch, khi em đang làm việc kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Trong một phút bất cẩn, bé trai làm các viên gạch đang nung nóng đổ đè lên người, khiến cơ thể bỏng nặng.

Gạch nóng đổ lên người, bé trai bỏng toàn thân khi kiếm tiền phụ gia đình - 1

Bé trai bị gạch nóng làm bỏng nhiều vùng trên cơ thể (Ảnh: BV).

Suốt 2 tháng qua, L. được các nhân viên y tế chăm sóc vết thương tích cực, thay băng, xử lý tình trạng da hoại tử... Về phía gia đình, cha và anh trai là 2 người thân túc trực ở bên cạnh bệnh nhi. Đến nay, tình trạng của bé đã hồi phục nhiều, có thể tập đi đứng và tinh thần đã vui vẻ, lạc quan.

Theo các bác sĩ, quá trình lành vết thương ở bệnh nhân bỏng khá phức tạp, có thể trải qua nhiều tháng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc liền vết thương và tạo sẹo, như độ sâu và vị trí vết thương, độ tuổi (người già thường kéo dài thời gian lành vết thương), màu sắc da, dinh dưỡng...

Các bệnh nền kèm theo như đái tháo đường, tim mạch, bệnh mạch máu ngoại biên, hút thuốc... thường gây chậm lành vết thương. Nhiễm khuẩn cũng là yếu tố kéo dài thời gian điều trị. Ngoài ra, sau khi lành vết thương, một số sẹo có thể gây đau, ngứa, phì đại, co rút.

Gạch nóng đổ lên người, bé trai bỏng toàn thân khi kiếm tiền phụ gia đình - 2

Các nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc vết thương cho bé trai (Ảnh: BV).

Trong đó, sẹo phì đại xảy ra khi có viêm nhiễm vết thương kéo dài và sự gia tăng collagen nằm ở lớp bì của mô tổn thương. Sau 1-2 năm, sẹo này sẽ ổn định hơn nếu có những biện pháp điều trị phù hợp, như massage và băng ép vết thương, giữ ẩm sẹo.

Còn sẹo co rút hình thành trên vết thương bỏng sâu ở vùng khớp khi lành, làm hạn chế cử động.

Bác sĩ cho biết, quá trình lành có sự co nhỏ kích cỡ vết thương, kết hợp việc hạn chế vận động cũng làm gia tăng nguy cơ tạo sẹo co rút. Tập vật lý trị liệu là biện pháp có thể ngăn ngừa tình trạng này.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bỏng cần có chế độ ăn giàu protein, biết cách massage và sử dụng các thuốc giữ ẩm sẹo, ngưng hút thuốc lá và tham gia các chương trình phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, thân nhân, người chăm sóc cần tuân thủ việc kiểm soát nhiễm khuẩn (rửa tay, mang găng vô trùng...) nhằm giảm tình trạng nhiễm khuẩn chéo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm