1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: "Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất"

Thúy Diễm

(Dân trí) - Điều trị tại bệnh viện sau khi phát hiện mắc Covid-19, chị Trâm luôn lạc quan,chiến thắng được căn bệnh để sớm quay trở về đoàn tụ với gia đình và tiếp tục tham gia trong công tác chống dịch.

Không cho phép bản thân yếu đuối

Chị Hoàng Thị Trâm (34 tuổi, ngụ huyện Lắk, Đắk Lắk) là điều dưỡng công tác Trung tâm Y tế huyện Lắk. Sau khi địa bàn huyện ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19, chị là một trong những nhân viên y tế có nhiệm vụ hướng dẫn, chăm sóc ca bệnh.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 1

Chị Trâm luôn lạc quan trong suốt quá trình điều trị Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Dù mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang cẩn thận nhưng quá trình tiếp xúc bệnh nhân, không may chị Trâm bị lây nhiễm bệnh.

Nhận được thông tin dương tính SARS-Cov-2, chị Trâm ngỡ ngàng và có phần lo lắng. Điều chị sợ nhất đó là những người khác từng tiếp xúc với mình có bị lây bệnh hay không. Sau khi biết được những trường hợp tiếp xúc với mình đã âm tính, chị Trâm thở phào nhẹ nhõm và lạc quan bước vào chuỗi ngày điều trị bệnh.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 2

Phòng bệnh của chị Trâm luôn được vệ sinh sạch sẽ (Ảnh: NVCC).

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk là nơi chị và các F0 khác được điều trị bệnh. Chị Trâm chia sẻ, những ngày đầu nhập viện, chị có biểu hiện khàn giọng, nghẹt mũi có một xíu khó chịu trong người. May mắn, chỉ 5 ngày sau những triệu chứng này thuyên giảm và chị hồi phục khỏe mạnh rất nhanh.

Chị Trâm cho biết, bản thân mình là một nhân viên y tế, chị đã được tiêm 2 mũi vắc xin và được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về cách phòng, chống dịch bệnh. Do đó, khi mắc bệnh chị Trâm chị xác định phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất để thắng căn bệnh.

"Quá trình ở bệnh viện, các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, giúp đỡ và động viên tinh thần tôi rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi được hướng dẫn thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục để bản thân có thêm sức khỏe, đề kháng nên việc hồi phục rất nhanh. Tinh thần mạnh mẽ giúp tôi 50% chiến thắng bệnh", chị Trâm chia sẻ.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 3

Bên trong khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện lao và Bệnh phổi Đắk Lắk.

Với chị Trâm, chồng và hai con nhỏ đang ở nhà mòn mỏi chờ mẹ trở về, do đó chị không cho phép bản thân yếu đuối, buồn chán hay suy nghĩ tiêu cực trước căn bệnh này.

Sau 24 ngày ở bệnh viện với 3 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, chị Trâm chính thức được xuất viện và tiến hành thời gian 14 ngày cách ly tại nhà. "Khoảnh khắc được trao giấy chứng nhận ra viện tôi rất xúc động và chắc sẽ không bao giờ quên được quãng thời gian nằm viện vì căn bệnh này", chị Trâm nói thêm.

Để tạo sự an toàn cho gia đình, chị Trâm về nhà ở một mình, còn chồng và hai con nhỏ đều đến nhà ông bà nội ở tạm. Việc mua lương thực, thực phẩm chồng chị Trâm đảm nhận đi mua và treo ở ngoài cổng cho vợ.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 4

Nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Đắk Lắk được xuất viện.

"Ban đầu biết vợ mắc bệnh, tôi cũng lo và thương lắm vì công việc của cô ấy phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân. Gia đình cũng thường điện thoại động viên vợ cố gắng vượt qua. Giờ đây, cô ấy được về nhà, tôi cùng các con rất vui mong ngóng đến ngày cả gia đình được đoàn tụ", anh Hải (chồng chị Trâm) vui mừng.

Sau khi lành bệnh và hết thời gian cách ly, chị Trâm cho rằng mình sẽ quay lại công việc và mong muốn được tiếp tục tham gia vào công tác, phòng chống dịch. "Khi khỏi bệnh hoàn toàn và nếu tôi vẫn được sắp xếp trong Ban phòng chống dịch của địa phương thì tôi luôn sẵn sàng để giúp đỡ bệnh nhân khác", chị Trâm hăng hái.

Bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu nhớ nhà vẫn hết lòng vì công việc

BS Châu Đương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk - cho biết, hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 66 bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh nặng, riêng những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng đã được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Đắk Lắk.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 5

Các bác sĩ, nhân viên y tế xuyên làm việc xuyên đêm.

Cũng theo BS Đương, do điều kiện vật chất của bệnh viện chưa được đầy đủ nên điều trị những ca bệnh nặng hơi vất vả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tất cả các bệnh nặng đang điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk đã tạm ổn, đang được theo dõi đặc biệt.

"Bệnh nhân trong quá trình điều trị Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn của y, bác sĩ, chịu khó rèn luyện thể dục, thể thao, ăn uống đầy đủ chất nâng cao sức đề kháng để mau lành bệnh", BS Đương khuyên các F0.

Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk chia sẻ thêm, quá trình điều trị dài ngày cho bệnh nhân nên cả 20 bác sĩ, nhân viên bệnh viện suốt thời gian dài không được về nhà.

F0 tại Đắk Lắk chia sẻ: Phải chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất - 6

Dù vất vả kèm nhớ nhà nhưng mọi người luôn cố hoàn thành công việc cách tốt nhất.

"Sau khi hoàn thành ca trực mọi người sẽ di chuyển về khu cách ly Người có công của tỉnh để nghỉ ngơi và ngày mới lại tiếp tục đến bệnh viện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Tuy khá vất vả, rất nhớ nhà nhưng các bác sĩ, nhân viên luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó", BS Đương nói thêm.

Trước tình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn Đắk Lắk, ngành y tế đã huy động tối đa nhân lực để thực hiện công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị cho các trường hợp.

Tính đến ngày 1/8, trên địa bàn Đắk Lắk ghi nhận 225 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, có 7 bệnh nhân khỏi bệnh, đang điều trị 218 bệnh nhân và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.