1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 kể hành trình từ ám ảnh lo lắng đến tự tin bình tĩnh thoát khỏi Covid-19

Bình Minh

(Dân trí) - Từ sợ hãi, lo lắng, ám ảnh đến bình tĩnh, hi vọng, đó là tâm trạng của những F0 sau khi bất ngờ mắc Covid-19. Nhờ có sự đồng hành của các y, bác sĩ, họ đã vượt qua dịch bệnh.

Lo sợ, ám ảnh qua từng tiếng còi cấp cứu

Ngày 9/5/2021, trở về phòng trọ sau ngày làm việc, chị Hà Thị Chiêng (SN 2001, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), công nhân một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bất ngờ khi cả khu trọ có lệnh phong tỏa. Một công nhân trong khu công nghiệp trọ tại đây được đưa đi do dương tính với SARS-CoV-2.

22 ngày bị phong tỏa, 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, thế nhưng đến lần thứ 4 khi chị Chiêng và em gái cùng có dấu hiệu sốt, ho thì cũng là lúc cả hai được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đêm, hai chị em Chiêng được đưa đến Bệnh viện phục hồi chức năng cơ sở 2 Bắc Giang để điều trị.

F0 kể hành trình từ ám ảnh lo lắng đến tự tin bình tĩnh thoát khỏi Covid-19 - 1

F0 như chị Tiên, chị Chiêng sau khi điều trị khỏi Covid-19 đã được đưa về huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) tiếp tục cách ly tập trung 15 ngày.

"Một cảm giác vô cùng khủng khiếp đối với chị em tôi vì thời điểm đó đã có ca tử vong. Mỗi ngày ở khu điều trị, tiếng hú của xe cứu thương khiến tôi không ngủ được, cứ ám ảnh về cái chết", chị Hà Thị Chiêng nhớ lại.

Chị Chiêng cũng cho biết, hai chị em dù lo sợ nhưng cũng không dám gọi về thông báo cho bố mẹ ở quê.

"Cho đến 2 ngày sau khi lấy lại được tinh thần, tôi mới dám gọi điện về báo bị mắc Covid-19. Bố mẹ tôi có động viên hai chị em nhưng tôi biết lúc đó họ cũng thật sự rất sợ hãi", chị Chiêng nói.

Liên tục mấy ngày sau đó chị Chiêng có biểu hiện đau rát họng, ho, sốt, nhức đầu, cơ thể mỏi mệt như không còn chút sức lực nào.

Còn với chị Quách Thị Tiên (xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), là công nhân Công ty Luxshare ACT (Vân Trung, Bắc Giang), thì vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc nghe tin mình mắc bệnh Covid-19, chị sợ đến mức khóc như mưa.

"Cảm giác lúc đó chỉ là lo sợ, lo mình bị nặng, lo quá tải bệnh nhân rồi mình có được chữa trị kịp thời không vì thời điểm đó đang bùng dịch, ngày nào cũng chứng kiến cảnh F0 được đưa vào…", chị Tiên nhớ lại.

Chị Tiên cùng 3 công nhân trong xưởng bị mắc Covid-19 sau 21 ngày ở khu cách ly. Dù đã 3 lần âm tính nhưng đến lần thứ 4 thì chị có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Chị được đưa đến Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang để điều trị trong tình trạng sốt, họng đau rát.

"Bác sĩ cho thuốc chữa bệnh, cho cả liều thuốc tinh thần"

Chị Chiêng cho biết, thời gian điều trị cho đến khi khỏi bệnh kéo dài hơn 1 tháng. Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày là bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe, tiêm và cho thuốc để uống.

Những ngày đầu tiên đến nơi điều trị Covid-19, không chỉ chịu đựng sự tấn công của virus, những bệnh nhân F0 như chị Chiêng còn phải chịu áp lực về tinh thần.

"Ban đầu chỉ là sốt và rát họng nhưng sau đó thì tôi ho liên tục, đầu đau người mệt, như có tảng đá đè vào, cảm giác không muốn ăn uống gì. Không biết do bệnh, do tâm lý hay do khẩu trang làm tôi rất khó thở.

Nghĩ đến bố mẹ già ở quê, tôi lại càng suy nghĩ đến những điều tiêu cực rồi sợ hãi, lo lắng, tôi cảm giác bệnh trở nên nặng hơn. Nhớ lời bác sĩ dặn, tôi uống nhiều nước mỗi ngày, đeo khẩu trang liên tục 24/24h kể cả khi ngủ", nữ công nhân Chiêng nhớ lại.

"Dù thời điểm đó rất đông bệnh nhân nhưng bác sĩ rất tận tình, chu đáo, mỗi ngày đều dặn dò chúng tôi từng li từng tí, có biểu hiện gì bất thường phải gọi ngay.

F0 kể hành trình từ ám ảnh lo lắng đến tự tin bình tĩnh thoát khỏi Covid-19 - 2

Sự động viên của bác sĩ như liều thuốc tinh thần đối với các F0.

Họ động viên chúng tôi lạc quan và tin tưởng. Lời động viên của bác sĩ như liều thuốc tinh thần cho chúng tôi lúc đó. Hai chị em tôi dần lấy lại bình tĩnh và thoát khỏi cảm giác sợ hãi, áp lực", chị Chiêng chia sẻ.

Còn với chị Tiên, ngay ngày đầu tiên vào bệnh viện, một cuộc gọi từ lãnh đạo trong khu điều trị khiến chị được trấn an tinh thần. "Phải thật sự bình tĩnh và làm theo mọi phác đồ điều trị của bác sĩ thì bệnh sẽ nhanh khỏi thôi, mọi thứ sẽ ổn nên bệnh nhân không phải quá lo lắng. Đó là lời của người gọi điện cho tôi. Tôi chỉ biết đó là lãnh đạo của nơi tôi đang điều trị", chị Tiên nói.

Nữ công nhân này cũng cho biết: "Đến nơi điều trị, bệnh nhân F0 như chúng tôi đều rơi vào cảm giác tuyệt vọng. Thế nhưng, các y bác sĩ không chỉ nhiệt tình, thân thiện mà đội ngũ chăm lo đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân cũng rất chu đáo khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh".

"Không được đội ngũ y bác sĩ động viên, không biết chúng tôi sẽ vượt qua những ngày đáng sợ ấy như thế nào. Từ sợ hãi, lo lắng, ám ảnh đến bình tĩnh, hy vọng…", chị Tiên bộc bạch.

Sau hơn một tháng điều trị, cả chị Tiên, chị Chiêng và em gái đã khỏi bệnh và được đưa về huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để cách ly tập trung 15 ngày trước khi trở về nhà.

Niềm vui, nhẹ nhõm và thoải mái là những cảm xúc đan xen khó tả bằng lời đối với họ. Cuộc chiến đấu với Covid-19 sẽ mãi là ám ảnh đối với những bệnh nhân F0 nhưng có lẽ điều mà họ không bao giờ quên được đó là những người đã đưa họ thoát khỏi sự tuyệt vọng, tìm lại sự bình tĩnh và vượt qua dịch bệnh.

Tính đến sáng 30/7, Việt Nam có 133.405 ca mắc trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số, đã có 31.780 bệnh nhân khỏi bệnh.

Nguồn: Bộ Y tế