F0 Hà Nội tăng vọt: Cần quan tâm nhất ca chuyển nặng, giảm tỉ lệ tử vong
(Dân trí) - Theo chuyên gia, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.
Tổ chức điều trị F0 tầng 1 không tốt, tầng 2 dễ rối loạn
Từ khi áp dụng chiến lược "thích ứng Covid-19", F0 tại Hà nội tăng nhanh. Đáng chú ý, tại một số địa bàn dịch diễn biến phức tạp đã ghi nhận tình trạng lực lượng y tế "quá tải" ảnh hưởng đến việc cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời.
Như Dân trí đã đưa tin, một gia đình tại chung cư HH3A Linh Đàm (Hà Nội) được test nhanh dương tính nhưng qua 5 ngày vẫn chưa được đưa đi điều trị.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nêu quan điểm, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.
"Chúng ta không nên quá lo lắng về số ca mắc. Quan tâm chính lúc này là tập trung vào việc làm sao phát hiện người chuyển nặng và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong", PGS Hùng nói.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, thành phố cần có phương án tổ chức điều trị hợp lý cho các bệnh nhân không triệu chứng/triệu chứng nhẹ.
"Đây là nhóm chiếm đến 70 - 80% tổng số bệnh nhân. Do đó, nếu phương án tổ chức tầng 1 không tốt sẽ dẫn tới các tầng 2, tầng 3 bị rối loạn", PGS Hùng cho hay.
Dồn nguồn lực y tế cho bệnh nhân nặng
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 15/12, Thủ đô có 9.886 F0 đang điều trị, trong đó có 1.064 bệnh nhân cách ly điều trị tại nhà.
PGS Hùng nhận định, việc chỉ có hơn 10% bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội được điều trị tại nhà là quá thấp.
"Hà Nội phải nhất quán và quyết liệt theo hướng cách ly và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà. Ngoài các trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cách ly điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng mới nên đưa tới trạm y tế lưu động để được sơ cấp cứu ban đầu và làm thủ tục chuyển lên tuyến trên", PGS Hùng cho hay.
Cũng theo PGS Hùng, từng tòa nhà, tổ dân phố nên chủ động có phương án xác định và lập danh sách người dân nào đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà trước, thay vì đến khi có ca nhiễm mới chờ cơ quan chức năng đến khảo sát. Việc này vừa mất thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian chờ đợi được quyết định hình thức điều trị tại nhà hay tập trung.
Theo chuyên gia này, kế hoạch hiện nay mỗi trạm y tế lưu động mỗi phường tiếp nhận khoảng 100 F0, chỉ có 5 - 7 nhân viên y tế phụ trách thì khó có thể đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt.
PGS Hùng phân tích: "Tại các trạm y tế lưu động, lực lượng chức năng không chỉ cho bệnh nhân uống thuốc, mà còn phải lo vấn đề ăn uống sinh hoạt cho bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn sẽ khiến cho nhân viên y tế quá tải. Người bệnh không được chăm sóc thật sự tốt, không có người thân ở bên động viên, hỗ trợ dễ dẫn đến mệt mỏi, hoảng loạn và kết quả là bệnh nhẹ thành nặng".
Do đó, theo ông, việc F0 điều trị tại nhà, có thể tự theo dõi tình trạng bệnh và được quản lý, hỗ trợ từ xa bởi nhân viên y tế có chuyên môn và tổ Covid-19 cộng đồng sẽ giúp giảm tải rất lớn cho hệ thống y tế.
"Khi nhân viên y tế được giảm tải mới có thể dồn lực chăm sóc cho những bệnh nhân nặng, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Nhân viên y tế được giảm tải cũng đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài với Covid-19, không "vỡ trận" khi tình hình dịch nghiêm trọng hơn", PGS Hùng nhấn mạnh.