1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 điều trị ở TPHCM tăng sau lễ, nhiều biến thể phụ: Người dân cần làm gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trước việc có hàng trăm bệnh nhân Covid-19 phải điều trị và cần hỗ trợ hô hấp, 4 biến thể phụ mới đang lưu hành tại TPHCM, nhiều ý kiến lo ngại dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh trở lại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ ngày 2/5 đến ngày 3/5, địa phương đã ghi nhận 81 ca mắc mới Covid-19 và 82 ca Covid-19 phải nhập viện. Tại thời điểm ngày 28/4 (trước dịp nghỉ lễ), TPHCM có 402 ca đang điều trị, 116 bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp. Đến ngày 3/5, số F0 đang điều trị và cần hỗ trợ hô hấp đã tăng lên lần lượt là 514 và 169 trường hợp.

Trước tình hình trên, một số ý kiến lo ngại dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh trở lại.

F0 điều trị ở TPHCM tăng sau lễ, nhiều biến thể phụ: Người dân cần làm gì? - 1

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM thời điểm tháng 4 (Ảnh: HL).

F0 tăng, nhiều biến thể mới: Chuyên gia nói gì?

PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, TPHCM gần đây đã phát hiện 4 biến thể phụ của Omicron, đó là X.BB.1.16.1, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.5. Trong đó, XBB.1.16 và XBB.1.5 là hai biến thể từng lây lan ở nhiều quốc gia khác nhau. Riêng với biến thể XBB.1.16, được giới chuyên môn cho rằng có khả năng lây nhiễm tăng 10% so với các biến thể cũ.

Hiện nay, người dân phần nào có sự lơ là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, miễn dịch của cộng đồng bị giảm đi sau thời gian dài không tiêm chủng. Các yếu tố này góp phần làm số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng.

Để đối phó với tình hình trên, PGS Dũng cho rằng, cần phải thực hiện tiêm vaccine cho những người lớn tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền, người chưa tiêm đủ vaccine. Ngoài ra, toàn thể cộng đồng cũng nên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, để giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp ổn định sinh hoạt, học tập, đồng thời cũng góp phần bảo vệ những người có nguy cơ cao.

F0 điều trị ở TPHCM tăng sau lễ, nhiều biến thể phụ: Người dân cần làm gì? - 2

Người dân TPHCM đi tiêm vaccine Covid-19 trong những ngày nghỉ lễ (Ảnh: HCDC).

Chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tập trung đông người nếu không cần thiết, ở nơi thoáng khí để tránh việc lây lan. Nếu bắt buộc phải đến nơi đông người, hãy đeo khẩu trang và rửa tay, khử khuẩn bề mặt thường xuyên. Ở nhóm người có nguy cơ cao, ngoài tiêm chủng thì có thể tiến hành xét nghiệm khi có các triệu chứng. Từ đó, kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm, tự chăm sóc mình và tránh lây lan cho người khác.

Ngừa bệnh cho trẻ em cũng là cho cả gia đình, cộng đồng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, hiện nay, nhiều biến thể Covid-19 mới xuất hiện, có khả năng đánh lừa hệ thống miễn dịch của cơ thể và hệ thống vaccine. Đơn cử như XBB.1.5 là biến thể có thể "lách" được việc tiêm vaccine, gây lây lan nhanh trong cộng đồng. Ngoài số mắc tăng, người ta cũng đang nghiên cứu, theo dõi xem biến thể này có khả năng làm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cao hay không.

Trong tổng số ca mắc bệnh, trẻ em chiếm tỷ lệ 5-10%, các nước cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi Covid-19 nặng. Tại Việt Nam, số trẻ em mắc bệnh rất ít so với người lớn. Nhưng khi số ca mắc tăng thì lượng bệnh nhi sẽ tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến độ nặng và tử vong ở trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ nguy cơ cao, có bệnh lý nền.

F0 điều trị ở TPHCM tăng sau lễ, nhiều biến thể phụ: Người dân cần làm gì? - 3

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (Ảnh: HCDC).

Theo các nghiên cứu tổng quan, có đối chứng trên thế giới, các trẻ dư cân béo phì, trẻ sinh non, dưới 3 tháng tuổi, trẻ bị các bệnh lý đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, tim mạch, suy giảm miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 diễn tiến nặng và tử vong.

Bác sĩ Tiến cho biết, về nguyên tắc, nên cho trẻ chích ngừa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cụ thể, tiêm 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm nhắc thêm mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

"Ngoài tiêm vaccine, cần tuân thủ nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn) để tránh lây lan mầm bệnh ở trẻ, từ đó giảm nguy cơ lây cho người lớn. Chúng ta phòng ngừa cho trẻ em cũng chính là phòng ngừa cho các thành viên trong gia đình, cho cộng đồng" - bác sĩ Tiến nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm