1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Đứt" viện trợ, cuộc chiến với HIV/AIDS nguy cơ “vỡ trận”

(Dân trí) - Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ các nguồn viện trợ. Dự kiến năm 2017, viện trợ sẽ bị cắt hoàn toàn, ngân sách chống dịch không đảm bảo khiến căn bệnh thế kỷ đe dọa bùng phát trở lại tại Việt Nam.

Hơn 300.000 người Việt Nam đã mắc HIV/AIDS

Sau 25 năm kể từ ngày xuất hiện ca bệnh HIV đầu tiên tại Việt Nam, đến nay số người mắc phải căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm (lây qua đường máu, lây qua quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con) chưa có thuốc chữa này vẫn hoành hành.

Dưới sự giúp đỡ cả về chuyên môn và kinh phí thông qua viện trợ của các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã rốt ráo triển khai nhiều giải pháp phòng chống nhưng cuộc chiến với căn HIV/AIDS chưa có điểm dừng.

Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái
Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện Nhân Ái

Theo số liệu được TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, tại lớp tập huấn báo chí về căn bệnh này (diễn ra từ ngày 15 đến 17/6 tại TPHCM), “5 tháng đầu năm 2015 trên cả nước ghi nhận 3.204 người nhiễm HIV mới mắc, số người chết là 438. Lũy tích sau 25 năm Việt Nam đã có hơn 300.000 người nhiễm HIV/AIDS, số bệnh nhân hiện còn sống là hơn 227.000 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo, số ca bệnh thực tế trong cộng đồng còn cao hơn nhiều, bởi nhiều người mắc bệnh nhưng không đi xét nghiệm hoặc không muốn khai báo.

Hiện nay, 100% tỉnh thành phố đã có dịch HIV, 98,9% số huyện có người nhiễm, 80,3% số phường xã có người bệnh. Điều này cho thấy, HIV đã lan rộng trong cộng đồng, len lỏi vào từng đường làng, góc phố, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai. Nhóm tuổi nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung từ 20 đến 40 tuổi. Đây là nhóm tuổi lao động giữ trụ cột trong sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội; độ tuổi có nhu cầu quan hệ tình dục cao; tuổi có nhiều người tiêm chích; tuổi sinh sản ở nữ giới. Việc nhiễm bệnh trong độ tuổi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội và chất lượng nòi giống.

Gánh nặng chống dịch dồn về người bệnh

Việt Nam đang trở thành quốc gia nằm trong tình trạng khẩn cấp về kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS, 80% kinh phí từ trước đến nay là nguồn viện trợ quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo nên các dự án viện trợ quốc tế đang cắt giảm và rút dần, dự kiến đến năm 2017, Việt Nam sẽ phải tự chủ hoàn toàn về kinh phí phòng chống HIV/AIDS. Nếu muốn duy trì được những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến với căn bệnh này, 2 năm tới Việt Nam sẽ phải tính giải pháp bù vào khoản 80% kinh phí viện trợ bị đứt.

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh: Để giải bài toán trên, một số giải pháp đã được vạch ra, thứ nhất: tăng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; thứ 2: tăng đầu tư của các tỉnh, thành phố; thứ 3: sử dụng bảo hiểm y tế trong thanh toán chi phí cho người bệnh điều trị; thứ 4: tiến hành xã hội hóa bằng cách thu phí từ bệnh nhân khi tham gia các dịch vụ. Hiện 2 phương án đầu đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt, phương án thứ 3 đang bước đầu được triển khai, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đã chấp thuận thanh toán phí khi tham gia các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người HIV/AIDS nhưng bảo hiểm đang sợ vỡ quỹ, nhiều quyền lợi liên quan đến người bệnh cần phải cụ thể hơn. Giữa bối cảnh trên, gánh nặng phòng chống dịch bắt đầu dồn lên vai người bệnh khi phương án cuối cùng đã được thực thi.

Những cháu bé mang trong mình căn bệnh thế kỷ tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Linh Xuân, Thủ Đức
Những cháu bé mang trong mình căn bệnh thế kỷ tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Linh Xuân, Thủ Đức

Cục phòng chống HIV/AIDS cho hay: trong cuộc chiến với HIV/AIDS, việc cung cấp bơm kim tiêm sạch cho nhóm tiêm chích mà túy, cung cấp bao cao su cho nhóm mại dâm, điều trị thay thế bằng methadone là 3 giải pháp đặc biệt quan trọng để đẩy lùi dịch. Khi nguồn viện trợ ổn định, trung bình mỗi năm Việt Nam phát miễn phí khoảng 30 triệu bơm kim tiêm, 30 triệu bao cao su cho nhóm người nghiện chích ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế liên tục bị cắt giảm, nhóm người đồng đẳng đang thiếu những dụng cụ hỗ trợ tối thiểu nhất. 5 tháng đầu năm 2015, số phát bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy chỉ còn khoảng 3 triệu, bao cao su chỉ đạt 1,7 triệu.

Điều trị thay thế bằng Methadone là phương pháp hiệu quả được áp dụng từ 2008. Thay vì sử dụng các dạng chất ma túy tốn hàng triệu đồng, mỗi ngày người nghiện chỉ cần uống một liều methadone, dạng thuốc này giúp người nghiện không còn triệu chứng cai, nâng cao sức khỏe, giảm bạo lực gia đình, tội phạm, hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp cai nghiện khác, giảm lây truyền các bệnh lây qua đường máu như HIV, viêm gan B và viêm gan C.

Xuất phát từ tính hiệu quả trên, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế cùng các tỉnh thành trên cả nước, trong năm 2015 phải đạt chỉ tiêu 80 nghìn người điều trị cai nghiện bằng methadone. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2015 cả nước mới chỉ có hơn 31 nghìn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Sau thời gian được uống miễn phí, đến nay người bệnh đang phải chi trả khoảng 10 nghìn đồng mỗi ngày cho việc uống thuốc, với những người nghiện, việc làm thường không ổn định, ngoài những chi phí sinh hoạt, mỗi tháng phải chi trả 300 nghìn đồng cũng đã là một khoản tiền lớn.

Do chưa có thuốc điều trị HIV/AIDS, việc điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV) là giải pháp giúp người bệnh ké dài sự sống, giảm các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội, có tác dụng dự phòng. Hiện cả nước có hơn 95 nghìn bệnh nhân đang điều trị bằng ARV khi áp dụng việc thu phí, người bệnh sẽ phải chi trả từ 12 đến 24 nghìn đồng mỗi ngày. Nếu không có thuốc, nguy cơ lây nhiễm của những người mang bệnh ra cộng đồng là rất cao, người nhiễm sẽ chết, hoặc bị kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Cuộc chiến với HIV/AIDS của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “vỡ trận”.

Vân Sơn