1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đường hóa học Cyclamate độc đến đâu?

Khi bị cấm, tức là cyclamate không tốt cho sức khỏe con người. Và mặc dù hầu hết người bán lẫn người mua đều biết tác hại của các loại đường hóa học nhưng vì mục đích kinh doanh, họ vẫn sử dụng.

Biết có hại nhưng vẫn bán

Đường hóa học Cyclamate độc đến đâu? - 1

Biết có hại nhưng vì lợi trước mắt, chủ cửa hàng vẫn bán và sẵn sàng tư vấn tận tình cách sử dụng
 

Trong quá trình tìm hiểu, PV phát hiện rằng, hầu hết người bán lẫn người mua đều biết tác hại của các loại đường hóa học nhưng vì mục đích kinh doanh nên họ vẫn sử dụng.

 

Chị N.Hạnh, vị khách hàng tìm mua đường hóa học về nấu phở mà PV đã có dịp trao đổi ở bài trước cho biết: "Tôi cũng nghe nói sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì loại đường này rất tiện lại rẻ nên mình cứ mua về chế biến thôi. Chắc dùng ở mức độ cho phép sẽ không sao cả".

 

Còn chị chủ quầy đường H.C trong chợ Đồng Xuân chia sẻ: “Loại đường phổ biến nhất hiện nay là viên loại to bằng hạt đỗ. Loại này có độ ngọt cao nên được sử dụng đa dạng trong chế biến. Mình bán thật nhưng nhiều khi mua đồ về ăn có cảm giác hơi sợ. Bởi, thực tế loại đường này được sử dụng khá rộng rãi trong các món ăn, đồ giải khát…. mà nếu lạm dụng nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

 

Nguy cơ gây ung thư bàng quang

 

Đường hóa học Cyclamate độc đến đâu? - 2

Dù dạng viên thuốc hay dạng hạt đỗ cũng đều là đường độc


GS.TS Lưu Duẫn, trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết ông đã có quá trình nghiên cứu kỹ về đường cyclamate. Theo đó, sodium cyclamate, tên gọi tắt cyclamate, là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần đường sucrose (đường mía).

 

Năm 1969, chất này đã bị cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng trên toàn quốc, sau khi có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nhiều tác dụng phụ có hại.

 

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã cho chuột ăn cyclamate với liều lượng từ 500mg đến 2.500mg (500mg tương đương với 30 lon nước ngọt). Sau 2 năm, 12/70 con chuột thí nghiệm bắt đầu bị ung thư bàng quang. Tuy nhiên, chất này hiện vẫn được một số nước sử dụng để làm chất tạo ngọt, đánh lừa cảm giác thèm ngọt của bệnh nhân tiểu đường.

 

Nghiên cứu trên cơ thể người ở những nước còn sử dụng cyclamate chưa thấy công bố tác dụng xấu nào. Tuy nhiên đa số chỉ dùng ở lượng nhỏ hơn nhiều lần lượng đã dùng trong thí nghiệm trên chuột. “Tóm lại, đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu khoa học nào được công nhận về khả năng gây ung thư của sodium cyclamate trên con người. Nhưng không nên vì thế mà thiếu thận trọng với loại phụ gia đã gây nhiều tranh cãi ở Mỹ này”, GS.TS Lưu Duẫn nói.

 

Trên thế giới, xung quanh việc sử dụng đường hóa học cyclamate có hại như thế nào đến sức khỏe con người hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Bên cạnh các quốc gia cấm sử dụng chất này như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia... thì vẫn còn 55 quốc gia cho phép sử dụng chất này. Tại Việt Nam, đường cyclamate có thành phần chính là aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo, bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và khuyến cáo cyclamate có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.

 

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TPHCM, tại Việt Nam, chất cyclamate hiện không có mặt trong danh sách những phụ gia thực phẩm an toàn của bộ Y tế.

 

Một bác sĩ, nguyên là cán bộ viện Vệ sinh y tế công cộng, TP.HCM chia sẻ thêm, chất cyclamate khi vào cơ thể sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi… dị dạng bào thai trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật. Hơn nữa, ngay cả ăn nhiều đường mía cũng không tốt cho sức khoẻ, huống gì đường hoá học. Khi vào cơ thể, các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể tích luỹ gây độc cho gan, thận...

 

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết chất này còn thường thấy dùng trong các túi đường cát lọc, ở các quán cà phê. “Việc sử dụng vì bất cứ mục đích nào, có liên quan đến sức khoẻ con người, đều cần có sự cho phép của cơ quan quản lý”, BS Mai nói.

 

Theo Thái Vy

VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm