1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dược thảo điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Trong y học cổ truyền, tiêu chảy ở trẻ em còn gọi là chứng rối loạn tiêu hóa thực tích, thực trệ. Nguyên nhân gây bệnh do thức ăn, nước uống ô nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm giun làm tổn thương đến công năng hoạt động của tì vị gây các triệu chứng chủ yếu: Nôn, tiêu chảy, gầy mòn. Bệnh có thể gặp ở thể cấp tính hoặc mạnh tính.

Chứng tiêu chảy cấp

 

Nguyên nhân: Do nhiễm khuẩn trực tiếp đường tiêu hóa hoặc do bị dị ứng nhiễm khuẩn.

 

Triệu chứng: Trẻ tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân lỏng nhiều nước, mùi khẳm. Trẻ sốt, nôn mửa, sôi bụng, bụng trướng, tiểu tiện ít, đỏ, hậu môn đỏ rát.

 

Bài thuốc: Cát căn 12g, hoàng liên, hoàng cầm, mỗi vị 8g; cam thảo 4g.

 

Sắc uống ngày 1 thang. Nếu tiêu chảy nhiều nước, buồn nôn hoặc nôn, thêm thương truật, bán hạ chế, mỗi vị 4g. Nếu tiểu tiện ít kèm thêm phục linh, mã đề, mỗi vị 8g.

 

Các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền chỉ thích hợp với chứng tiêu chảy cấp tính đơn thuần và tiêu chảy mạn tính do tỳ hư. Còn tiêu chảy cấp tính do nguyên nhân nhiễm khuẩn có biến chứng nhiễm độc thần kinh do mất nước và điện giải thì phải điều trị bằng các phương pháp của Tây y.

Chứng tiêu chảy kéo dài

 

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân do tỳ hư, thường gặp ở trẻ em bị rối loạn tiêu hóa loạn khuẩn.

 

Triệu chứng: Tiêu chảy kéo dài, phân sống, đi tiểu ngày 2 – 3 lần. Trẻ chậm lớn, người gầy yếu, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt vàng, tự ra mồ hôi hoặc hay ra mồ hôi trộm.

 

Bài thuốc: Đảng sâm 20g, ý dĩ liên nhục, bạhc biển đậu, bạch truật, phục linh, hoài sơn, trần bì, mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

 

Chữa chứng tích trệ

 

Do không tiêu hóa được thức ăn, sữa, các loại ngũ cốc, thức ăn khác hoặc do giun.

 

Tích trệ thức ăn: Do ăn uống quá nhiều, không tiêu hóa kịp.

 

Triệu chứng: Trẻ ít bú, nôn mửa mùi chua, hay quấy khóc. Bụng đầy trướng, tiêu chảy mùi chua, ra thức ăn không tiêu.

 

Bài 1: Ý dĩ 12g, sơn tra, mạch nha, mỗi vị 8g; thần khúc, kê nội kim, trần bì, hạt củ cải, mỗi vị 8g. Sắc uống hay tán bột làm viên, mỗi ngày uống 12 – 16g.

 

Bài 2 (trường hợp trẻ còn bú, nguyên nhân do tích sữa không tiêu): Hương phụ 80g, mạch nha, thần khúc, mỗi vị 40g; sa nhân, chích cam thảo, mỗi vị 20g; trần bì 8g. Tán bột, ngày uống 4 – 6g, chia 2 lần uống.

 

Bạch biển đậu (đậu ván trắng)

 

Được dùng làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng, nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, trẻ em cam tính, sốt cao co giật, là thuốc giải nhiệt, giải độc.

 

Bạch truật

 

Là một vị thuốc bổ dưỡng, được dùng điều trị các chứng bệnh đau dạ dày, bụng trướng đầy, nôn mửa, ăn chậm tiêu, tiêu chảy, phân sống, viêm ruột mạn tính, chữa sốt trong các trường hợp sốt ra mồ hôi.

 

Cam thảo (chích tẩm mật sao vàng)

 

Có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, mệt mỏi, kém ăn.

 

Đẳng sâm

 

Được dùng chữa tỳ vị suy yếu, kém ăn, tiêu chảy, mệt mỏi.

 

Hạt củ cải

 

Được dùng chữa ăn không tiêu, bụng đầy trướng, nôn mửa, sốt.

 

Hoài Sơn

 

Là thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, viêm ruột mạn tính, tiêu chảy lâu ngày không khỏi.

 

Hoàng liên

 

Có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, chữa tiêu hóa kém, tiêu chảy, lỵ, nôn mửa, viêm loét dạ dày. Hoạt chât berberin chữa lỵ trực khuẩn, viêm dạ dày, tiêu chảy, viêm loét đường tiêu hóa.

 

Kẹo mạch nha

 

Chứa các chất men có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn có tinh bột, làm ăn ngon, trị sôi bụng.

 

Phục Linh

 

Được dùng chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, kém ăn.

 

Sa nhân

 

Có tác dụng kháng khuẩn, kháng trực khuẩn lỵ và amip lỵ. Là vị thuốc kích thích và giúp tiêu hóa, chữa tỳ vị khí trệ, ăn không tiêu, đau bụng lạnh, nôn, tiêu chảy, lỵ.

 

Trần Bì

 

Chữa ăn không tiêu, đau bụng, nôn

 

Vân mộc hương

 

Có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loài vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Được dùng chữa cảm lạnh khí trệ, đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, nôn mửa. Còn dùng làm thuốc gây trung tiện, chữa ngộ độc thức ăn.

 

Ý dĩ

Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, đau bụng. Thường được dùng làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em vì chứa lượng protit, chất béo và tinh bột khá cao.

 

Theo GS. Đoàn Thị Nhu

Sức khỏe và Đời sống

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ