1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đừng xoa mật gấu, đắp lá khi bong gân!

(Dân trí) - Cách điều trị dân gian khi bong gân thường là đắp lá nóng, xoa mật gấu, dầu cao, rượu gấc... hậu quả là nhiều người bị thành tật, bị cứng khớp, teo cơ, thậm chí phải phẫu thuật…

Tổn thương nhỏ vẫn phải phẫu thuật vì điều trị sai

ThS. Nguyễn Trung Dũng, Khoa Cơ Xương Khớp - bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng phải phẫu thuật do điều trị bong gân sai cách.

Như trường hợp của chị N.T.H (38 tuổi ở Bắc Giang) bị bóng gân cánh tay do ngã. Dù rất đau nhưng chị không đến viện mà lại tìm đến thầy lang đắp lá. Chị kể, thầy lang hơ nóng chiếc lá thuốc gia truyền trên lửa, sau đó úp ngay vào vùng sưng tấy do bong gân, rồi băng lại. Mỗi ngày, chị đều đến thầy lang để thay lá một lần.

“Mỗi lần thầy hơ lá nóng đắp lên, mình thấy nóng ran nhưng sau đó thì dịu bớt và có cảm giác như đỡ đau nên vẫn kiên trì đến thầy lang đắp lá. Nhưng đến ngày thứ 7, khi thầy bỏ chỗ đắp lá cũ ra thì mình thấy vùng da bị phồng rộp, đỏ bỏng nước, sưng tấy...nên đã phải đến bệnh viện khám”, chị H nói.

Tại khoa Cơ Xương Khớp - bệnh viện ĐH Y Hà Nội, các bác sĩ cho biết chị có biểu hiện của biến chứng viêm mô tế bào. May mắn chị đến viện sớm chứ nếu cứ tiếp tục tự điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng máu gây tử vong.

Đáng nói, trường hợp điều trị sai khi sai khớp như của chị H. không phải là cá biệt mà lại rất phổ biến. Ngoài đắp lá, thì rất nhiều người khi bị bong gân thì dùng các loại mật gấu, rượu ngâm hạt gấc, dầu cao… xoa vào vết thương khiến vết sưng nóng ran, lúc đầu cảm giác rất dễ chịu, nhưng thực tế thì bệnh không giảm mà còn có nguy cơ dẫn đến xơ hoá dây chằng gây đau mạn tính, cứng khớp, teo cơ, phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.

Cùng quan điểm này, BS Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, nhiều người bị chấn thương nhẹ nên chủ quan không đi khám bệnh mà thường xoa bóp mật gấu, đắp lá náng... Kết quả là họ vô tình làm tăng tổn thương, gây biến chứng từ chấn thương nhẹ đến tổn thương mãn tính.

Như trường hợp của bệnh nhân lớp 9 từng phải phẫu thuật tại bệnh viện Xanh Pôn, chỉ vì chấn thương vẹo bàn chân do ngã khi đá bóng. Nhưng nghĩ là chấn thương phần mềm nên đã chủ quan, không đi khám bệnh, không cố định vết thương mà dùng các biện pháp dân gian như xoa bóp, đắp lá… gây thêm sang chấn, để lâu đã gây vôi hoá dây chằng, tiêu huỷ các ổ xương nhỏ khiến chân bị đau không thể đi lại được và buộc phải phẫu thuật.

Mật gấu, rượu gấc… càng gây chảy máu

Theo ThS Dũng, bong gân là cách gọi dân gian của tình trạng tổn thương dây chằng ở các khớp. Các vị trí dây chằng bị tổn thương thường gặp là khớp cổ tay, cổ chân, vai, khuỷu tay... với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng mà không làm đứt dây chằng; nặng hơn, dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn còn nguyên nhưng cũng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Và nặng nhất là tình trạng đứt hoàn toàn dây chằng làm khớp lỏng lẻo.

Khi bị bong gân, người bệnh thấy vùng bong gân sưng và tím bầm. Đó là do có tình trạng chảy máu nơi vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp bị bong gân. Dấu bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên và ấn đau. Và người dân thì quan niệm, đắp lá nóng, xoa mật gấu, xoa rượu hạt gấc sẽ… tan được máu tụ và bệnh sẽ khỏi.
 
Đừng xoa mật gấu, đắp lá khi bong gân! - 1
Bôi mật gấu, các chất nóng vào vùng tổn thương càng làm máu chảy nhiều và có thể gây tụ máu, thậm chí gây teo cơ, cứng khớp... buộc phải phẫu thuật

Nhưng việc dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương là sai lầm nghiêm trọng vì dùng các chất nóng tác động tại chỗ không thể làm cho tan máu mà còn gây chảy máu mạnh hơn. Do đó, dùng mật gấu và các chất nóng có thể khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, thậm chí gây teo cơ, cứng khớp sau này. Nhiều trường hợp, bệnh nhân vận động, không cố định dẫn đến đau dây chằng mạn tính, có dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được, phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng mới vận động được.

BS Dũng khuyến cáo, khi bị bong gân, quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột mới đảm bảo được bất động tuyệt đối.

Còn với cách chữa dân gian, lương y Vũ Quốc Trung, Giám đốc TT Y tế tư nhân Sơn Hà cũng khẳng định, khi bị bong gân không xoa bóp rượu mật gấu, chất bôi nóng mà có thể dùng lá si, lá náng, lá cúc tần, ngải cứu... tất cả giã nhuyễn rồi đổ thêm chút dấm đun tới sôi, để nguội đắp cố định vào chỗ bong gân, ngày thay 1 lần. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp bong gân nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn. Còn đối với trường hợp bong gân nặng, làm dây chằng đứt hoàn toàn, bong khớp,... thì phải chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để được chăm sóc tốt nhất.

Hồng Hải