Đừng thấy mưa là vội vàng hứng nước

Chị Trần Thị Hà (Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, để hứng nước mưa, vợ chồng chị thiết kế máng hứng nước từ mái nhà xuống và cứ thấy mưa là chị cuống cuồng hứng không “phí của trời”.

Chị còn kể thêm, vì nghĩ là nước sạch, nước trời nên chị không đun nước để uống bao giờ. Mỗi khi đi làm đồng về, nhất là vào những ngày nắng, cả nhà chị thường ra thẳng bể nước, múc một gáo, tu ực một cái, vừa mát vừa sạch. Mấy hôm trước, uống nước mưa xong, chị bỗng thấy đau bụng.

 

Lời bàn: Nhiều năm trước, nước mưa được ví là nước trời tinh khiết, vì ngoài việc bị lẫn một chút đạm do sấm sét gây ra, thì về cơ bản nước mưa không bị lẫn tạp chất.

 

Hiện nay, do không khí bị ô nhiễm, hơn thế, các thiết bị hứng nước mưa, bể chứa nước mưa không được vệ sinh cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng nước mưa.

 

Vì thế, không thể coi nước mưa là thứ nước sạch một cách tuyệt đối. Khi sử dụng, không nên hứng nước mưa ngay khi trận mưa trút nước xuống vì lúc này nước mưa vẫn còn bám các chất “bẩn”. Người dân đừng vội vàng và “tiếc của” một cách không cần thiết, hãy đợi khi mưa được khoảng 10 - 15 phút, khi các chất bẩn đã bị “trôi” hết thì hãy hứng.

 

Ngoài ra, trước mùa mưa, cần phải cọ rửa máng hứng nước. Đối với bể chứa cần phải có nắp đậy và thỉnh thoảng phải được cọ rửa. Khi xây bể tránh xây cạnh chỗ để rác, cạnh nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Người dân cũng cần lưu ý, để đảm bảo, tốt nhất là nước mưa cũng cần thiết kế bể lọc. Khi uống cũng cần phải đun sôi để đảm bảo vệ sinh.

 

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn

Khoa Hóa, ĐHTN, ĐHQG Hà Nội

Khoa học & Đời sống