Đừng phí của trời cho!
Đu đủ, vú sữa và khế đều là những loại quả ngon và có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp.
Thiên nhiên rất hào phóng ban tặng cho con người những loại trái cây vừa ngon, rẻ lại vừa giúp cơ thể khỏe, đẹp. Hãy tận dụng cây trái sau nhà để giúp cơ thể khỏe mạnh thay vì dùng nhiều thuốc hoặc mỹ phẩm trong một thế giới đầy rẫy độc chất như hiện nay.
Sáng da nhờ đu đủ
Nhà thám hiểm Christopher Columbus đã đặt cho đu đủ một cái tên rất danh giá là “trái của những thiên thần” (fruit of the angels). Đu đủ là một thành phần chính có mặt trong vô số mỹ phẩm có tác dụng tẩy da, làm sáng da do chứa một hoạt chất tên là papain, có tác dụng làm da mềm mại và sáng, đồng thời làm mờ nhạt những vết tàn nhang hay những đốm xuất hiện ở da mặt do tuổi tác. Papain cũng có tác dụng loại bỏ da chết. Bạn có thể tự bào chế sản phẩm làm đẹp da từ đu đủ theo cách thức như sau:
Chọn một trái đu đủ tốt vừa chín (không quá mềm), vỏ không bị trầy xước. Gọt vỏ, nạo hạt, cắt từng khúc cỡ vừa rồi bỏ vào máy xay sinh tố khoảng 30 giây để tạo ra một chất lỏng sệt và mịn. Rửa mặt bằng nước ấm rồi dùng khăn chậm cho khô, sau đó thoa nước đu đủ xay vào. Cũng làm tương tự ở những vùng da khác của cơ thể mà bạn muốn trắng. Lưu ý không nên thoa ở những vùng da quá gần với mắt và tránh để nước đu đủ lọt vào mắt. Sau khoảng 15 phút, rửa lại mặt và những vùng da đã thoa bằng nước ấm rồi dùng khăn lông sạch chậm cho khô. Làm như vậy 3 lần/tuần. Sau 3 tuần, bạn hãy tự tin đi gặp một người nào đó và hãy hỏi thử kết quả, chắc hẳn sẽ nhận được một câu trả lời “mát ruột”.
Vú sữa: Thuốc quý trong làng
Làng quê miền Nam không nơi nào mà thiếu hình bóng cây vú sữa. Cây vú sữa có giá trị y học rất cao, bộ phận có nhiều dược tính gồm quả, vỏ thân, hạt, lá...
Lá vú sữa được các dân tộc khắp thế giới dùng như một phương thuốc dân gian để trị tiêu chảy. Rửa sạch lá vú sữa và cắt nhuyễn khoảng 1 chén, cho vào nồi, đổ vô 2 ly nước sạch và đun sôi trong 15 phút. Dùng nước này uống trị tiêu chảy rất công hiệu theo liều lượng: Người lớn mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén; trẻ em 2-6 tuổi mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1/4 chén; trẻ em 7-12 tuổi mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1/2 chén. Trong trường hợp tiêu chảy nghiêm trọng, có thể bỏ thêm lá ổi để nấu. Một chén lá vú sữa cắt nhỏ nấu chung với 1 chén lá ổi cắt nhỏ, thêm vào 3 ly nước, nấu trong khoảng 30 phút rồi uống với liều tương tự như trên.
Ngoài ra, lá vú sữa còn được dùng để trị sưng nướu, viêm họng... Đun nóng khoảng 1 chén lá vú sữa tươi cắt nhuyễn với 2 ly nước trong 10 phút. Dùng nước này để súc miệng.
Trái khế mới thật là hay
Khế có một chỗ đứng giá trị trong y học cổ truyền cả phương Đông và phương Tây. Do chứa nhiều vitamin A, C và vitamin nhóm B, khế giúp phòng và trị cảm, hạ sốt..., đồng thời giúp da mặt mịn màng nhờ khả năng tổng hợp nhiều collagen. Ăn khế còn có lợi cho những người bị rụng tóc nhờ vào hàm lượng cao vitamin nhóm B. Khế cũng rất giàu chất xơ và pectin mà pectin lại có khả năng “bắt giữ” cholesterol, giúp hệ tiêu hóa điều tiết mật. Ngoài ra, ăn khế cũng rất bổ ích cho bệnh nhân cao huyết áp.
Y học cổ truyền ở nhiều quốc gia đã dùng khế để cải thiện sức khỏe cho “con ngọc hoàng” sau những cơn say bí tỉ... Khế cũng hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường theo cách: cắt quả khế làm 6 khúc và đun sôi trong một chén nước ở lửa nhỏ sao cho nước còn lại khoảng nửa chén, chia ra uống mỗi ngày 2 lần.
Lưu ý: Những người có các bệnh về thận cần tránh ăn khế. Dấu hiệu nhận biết cơ thể không thích hợp với khế là sau khi ăn từ 1 đến 5 giờ, người cảm thấy buồn nôn, ói mửa, nấc cục, mất ngủ...
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường
Người lao động