Đừng nhầm đột quỵ với trúng gió

(Dân trí) - Khi thấy người đột quỵ, cần đo huyết áp ngay tại nhà để không lầm tưởng là trúng gió và nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hay đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, có hàng ngàn người bị đột quỵ mỗi năm trong số đó chiếm khoảng 1/4 số người dẫn đến tử vong, số còn lại có thể bình phục là nhờ vào phát hiện sớm, kịp thời và biết cách sơ cứu tại nhà. ThS. BS Phan Hữu Phước, khoa Y, trường ĐH Quốc Gia TPHCM đã đưa ra những cách phòng ngừa và xử lí tại nhà tốt để không dẫn tới hậu quả tồi tệ nhất. Đó là nội dung chính của buổi chuyên đề sức khỏe “Đột quỵ - nguyên nhân và cách phòng tránh” được tổ chức ngày 19/7 tại TPHCM.

Theo BS Phước, đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu oxy và thường xảy ra ở người cao tuổi, người già (ở người trẻ tuổi vẫn có trường hợp bị đột quỵ nhưng không nhiều). Các yếu tố có thể dẫn đến đột quỵ như: tăng huyết áp, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, mỡ (cholesterol) trong máu tăng cao, bị stress, dị dạng tai biến mạch máo não, bệnh tim mạch và ít vận động…

Vậy làm thế nào để phát hiện bị đột quỵ? Đột quỵ ngày xưa bị dân gian hiểu nhầm, thường gọi là “trúng gió” vì có các biểu hiện như hôn mê, liệt bán thân, nhức đầu đột ngột… Tuy nhiên, quá trình đột quỵ diễn ra rất nhanh, nếu như không được kịp thời phát hiện sơ cứu đúng cách thì sẽ dẫn đến tử vong, bại liệt hay dẫn đến bị mù.

Đừng nhầm đột quỵ với trúng gió
Theo ThS. BS Phan Hữu Phước thì có đến 80% đột quỵ là do tắc mạch máu, chủ yếu là do cục máu đông hoặc do các mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch (ảnh - Viết Hưởng)

Để phòng ngừa đột quỵ, điều quan trọng nhất là không nên hút thuốc lá. Bởi vì, thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh mạch máu có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. BS Phước dí dỏm dẫn chứng: “Ở Singapore, nếu người nào bị phạt hút thuốc lá nơi công cộng coi như là phải nhịn đói cả tháng, bởi vì Singapore lương của một người là 2 ngàn đô một tháng. Nếu hút thuốc lá thì sẽ bị phạt 5 ngàn đô, thử hỏi còn ai dám hút nữa không? Còn Việt Nam sẽ có nhiều người có nguy cơ đột quỵ cao vì thuốc lá được bán quá rẻ và chưa có mức phạt răn đe mạnh”.

Bên cạnh việc không hút thuốc, BS Phước cho rằng: cần phải điều trị tốt các bệnh cao huyết áp, vì cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến xuất huyết não. 

Phải điều trị tốt bệnh tiểu đường, chú ý đến lượng cholesterol và triglyceride, nếu tăng đồng thời cả hai chỉ số này thì dễ dẫn đến vỡ mạnh máu và gây đột quỵ. Ngoài ra, nên chú ý đến lượng hồng cầu trong máu, nếu tăng thì sẽ rất dễ dẫn đến thiếu máu não hay nhũn não.

Khi phát hiện người bị đột quỵ cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hay đưa đến cơ sở y tế gần nhất. 

Đo huyết áp ngay tại nhà để không nhầm tưởng là trúng gió, lại cho uống nước chanh hay cạo gió thì rất tai hại. 

Không nên tập trung quá đông người, nên để cho người đột quỵ nằm nơi thoáng mát. Đối với người đang sử dụng thuốc chống đông máu thì cho dùng ngay thuốc này. 

BS Phước còn dặn dò thêm: khi có người bị đột quỵ không nên tin và cho uống các loại thực phẩm chức năng, vì như vậy vừa tốn một số kém mà không hiệu quả.

Buổi nói chuyện chuyên đề về “Đột quỵ - nguyên nhân và cách phòng tránh” thu hút đông bạn trẻ, trung niên và người cao tuổi đến tham dự, từ những kiến thức y khoa khô khan, khó hiểu nhưng ThS. BS Phan Hữu Phước đã trình bày dí dỏm và ví dụ một cách đơn giản nhất nên người nghe cảm thấy dễ nhớ và áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn.

Hồng Nhung