Đừng lạm dụng siêu âm thai!
(Dân trí) - “Siêu âm không giúp phát hiện ra các tình trạng nguy hiểm của thai nhi cũng như của mẹ. Siêu âm chỉ mang tính tả cảnh, giúp theo dõi chính xác tình trạng của thai nhi hơn”, BS Lê Thị Chu, Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Phụ sản An Thịnh, cho biết.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sỹ Chu về những hiểm họa có thể xảy ra với bà bầu:
Thưa bác sỹ, những căn bệnh nào bà bầu có thể mắc phải trong quá trình mang thai?
Trong thời kỳ thai nghén, người ta chia làm 3 giai đoạn là ba tháng đầu, ba tháng giữa và ba tháng cuối.
Ở giai đoạn đầu thường gặp nhiều bệnh lý, đơn cử như các triệu chứng như nghén, nôn nhiều, ra máu, đau bụng hay nguy hiểm hơn là dọa sảy thai hoặc viêm nhiễm. Riêng viêm nhiễm có thể xảy ra trong suốt cả ba giai đoạn, nhưng giai đoạn đầu rất dễ mắc phải. Đặc biệt ở những người mới trưởng thành, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các dấu hiệu như ra máu, động thai còn có thể là dấu hiệu cho thấy có thai ngoài tử cung hoặc chửa trứng. Bà bầu cần đặc biệt lưu ý.
Với những người quan tâm đến sức khỏe thường sẽ đi khám trước khi mang bầu. Vì khi mang bầu rồi, việc điều trị các bệnh viêm nhiễm rất khó, hầu hết chỉ trị triệu chứng chứ không dứt bệnh được.
Ba tháng tiếp theo (từ tháng thứ tư - đến tháng thứ bảy) được xem là “thời kỳ hòa bình” giữa mẹ và con nhưng vẫn cần khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ.
Ở ba tháng cuối, bà bầu dễ mắc phải các bệnh ra máu do rau tiền đạo, nhiễm độc thai nghén với các triệu chứng điển hình như phù, đái ít. Nếu không được khám kịp thời sẽ rất khó phát hiện ra bệnh và gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ở giai đoạn cuối có thể phải thăm khám 1 tuần/1 lần để xem có bị phù không, bị protein niệu hay huyết áp cao không?
Các triệu chứng này có thể gây ra tiền sản giật, nếu không chữa trị kịp thời sẽ thành sản giật, rất nguy hiểm. Trong trường hợp bà bầu bị tiền sản giật cần di chuyển đến bệnh viện ở xa thì cần phải tiêm thuốc ngủ và cho 1 chiếc đũa hoặc miếng lót giày vào giữa miệng để đảm bảo an toàn.
Với những bà mẹ hơi ít nước ối ở tháng thứ bảy, thứ tám có thể uống thêm nước dừa non. Khi bị ít đái, phù... không nên uống râu ngô, mã đề... việc đi tiểu nhiều có thể dẫn đến mất kali, can-xi gây rối loạn về điện giải, rất khó chữa và ảnh hưởng đến lượng nước ối.
Nhìn chung, nếu bà bầu có các triệu chứng như đau bụng, bí trung đại tiện hay sốt thì nên đến bệnh viện để khám sớm.
Việc siêu âm có thể phát hiện ra những triệu chứng bệnh lý của bà bầu không, thưa bác sỹ?
Có một tình trạng hiện nay là các bà mẹ trẻ chỉ thích đi siêu âm chứ không chịu khám thai. Như thế rất nguy hiểm. Siêu âm là tả cảnh hoàn toàn chứ không đưa ra kết luận. Đơn cử như mới đây, có trường hợp bà mẹ đi siêu âm đến 40 lần nhưng không đi khám. Đến lúc thai được 7 tháng rưỡi thì xảy ra tiền sản giật, huyết áp lên đến 220 mmHg buộc phải mổ nếu không mẹ sẽ bị đứt mạch máu não, gây tử vong.
Hoạt động thăm khám rất quan trọng vì có thể kiểm tra được tim, phổi, có thử nước tiểu, thử máu... nên biết được thiếu gì, thừa gì, có phù hay không phù... Việc phát hiện những bệnh lý về tim mạch rất quan trọng. Khi phát hiện ra dấu hiệu bệnh lý sẽ chuyển sang nội khoa để phối hợp chữa trị. Với những trường hợp bị tim bẩm sinh thì khi thai mới được 30-32 tuần đã phải nhập viện rồi.
Thưa bác sỹ, vậy bà bầu có cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào không?
Không cần, bà bầu có thể ăn theo nhu cầu. Tuy nhiên cũng cần chú ý là không nên ăn mặn, còn có thể ăn giảm muối là tốt nhất, kể cả có phù hay không, có protein niệu hay không. Không nên ăn các chất kích thích và chú ý ăn uống hợp vệ sinh. Có nhiều bà bầu thích ăn ốc. Điểm cần lưu ý là, ốc luộc ở hàng quán thường không được làm sạch sẽ, dễ dẫn đến tiêu chảy. Điều này có thể gây ra mất nước và những ảnh hưởng đến thai nhi.
Xin cảm ơn bác sỹ.
P.V