Dừng cấp thẻ Bảo hiểm Y tế vì “cháy” quỹ

(Dân trí) - Quỹ Bảo hiểm Y tế tự nguyện đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu tiếp tục thu phí 1 năm, nhưng chỉ đủ chi trả chi phí khám chữa bệnh trong 4 tháng như hiện nay, hậu quả về kinh tế và xã hội là một thực tế rất đáng lo ngại.

Đó là trả lời của ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Y tế tự nguyện, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xung quanh quyết định tạm ngừng phát thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người tham gia đóng bảo hiểm lần đầu.

 

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Thiết xung quanh vấn đề này:

 

Trong báo cáo gửi lên Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam thông báo hiện quỹ kết dư trong nhiều năm của ngành đã gần hết, nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?

 

Trong năm 2005, năm đầu tiên thực NĐ 63 và thông tư 22, quỹ BHYT tự nguyện bội chi 265 tỷ đồng, đến năm 2006, theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, mức bội chi là gần 1.000 tỷ đồng, bằng 280% số thu (số thu được hơn 524 tỷ, số chi 1503 tỷ).

 

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Y tế tự nguyện, BHXH Việt Nam đã phải trích từ quỹ kết dư được tích tụ từ hơn 10 năm qua để có kinh phí thanh toán với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Đây chính là nguyên nhân khiến quỹ kết dư trong nhiều năm gần như “cháy”.

 

Ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề nảy sinh dẫn đến sự gia tăng đột biến của chi phí KCB BHYT trong thời gian qua?

 

BHXH Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác về địa phương để nắm tình hình KCB BHYT tự nguyện và nhận thấy: càng triển khai, mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thì quỹ BHYT lại bị bội chi càng lớn.

 

Những vấn đề nảy sinh tập chung vào 3 nhóm chính, đó là:

 

- Nhóm đối đối tượng thành viên hộ gia đình. Theo quy định, 10% số hộ trên địa bàn xã đăng ký tham gia BHYT tự nguyện, không đồng nghĩa với việc 10% số hộ sẽ tham gia. Trên thực tế, khi thu tiền để phát hành thẻ, chỉ có một số rất ít hộ nộp tiền, trong đó chủ yếu là những hộ đang có người ốm hoặc có nhu cầu đi khám chữa bệnh. Về phía BHXH, nếu đã thu tiền rồi (dù chưa thu đủ theo số hộ đăng ký) cũng không được từ chối phát hành thẻ.

 

- Tiếp theo là nhóm đối tượng hội viên hội, đoàn thể. Theo quy định; phải có ít nhất 30% số hội viên trên tổng số hội viên của hội, đoàn thể tham gia thì mới được mua BHTN. Vấn đề nảy sinh ở nhóm đối tượng này là nhiều người ốm đau, có nhu cầu khám chữa bệnh đã được hợp lý hóa thành hội viên, thành viên nhằm đưa danh sách tham gia BHYT tự nguyện theo nhóm, hội, tập thể. Lại có nhiều Ban chấp hành Hội, Đoàn thể hạ thấp số đoàn viên, hội viên để đảm bảo tỷ lệ 30% số người tham gia nhằm đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu. Trong khi đó, việc kiểm tra tính đúng đắn của số người  mua BHYT tự nguyện do các Hội, Đoàn thể lập ra là rất khó.

 

- Cuối cùng là nhóm đối tượng thân nhân người lao động và thân nhân hội viên hội đoàn thể; Quy định điều kiện đối với nhóm đối tượng này là người lao động hoặc hội viên hội đoàn thể mua thẻ cho 100% thân nhân sống trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Có thể nói, đây là một quy định hết sức sơ hở vì bất kỳ ai chỉ cần một người trong một cơ quan tự kê khai số người cần mua thẻ thì cơ quan BHXH cũng không thể kiểm tra được vì muốn điều tra cần phải có hồ sơ, lý lịch của người đã đăng ký mua thẻ. Đây cũng chính là nhóm đối tượng lợi dụng chính sách nhiều nhất.

 

Quyết định tạm dừng phát thẻ BHYT sẽ kéo dài bao lâu. Với những người đã tham gia BHTN trước khi có quyết định trên BHXH Việt Nam giải quyết ra sao?

 

Hiện chúng tôi đã báo cáo lên Bộ Y tế và gửi kiến nghị bằng văn bản nhiều lần đến liên Bộ để sớm chỉnh sửa chính sách. Tuy nhiên, qua xem xét, sửa đổi thường diễn ra khá chậm, vì vậy trong khi chờ  quyết định sửa đổi được thông qua cần tạm dừng việc thu, phát hành thẻ BHYT với những người mới tham gia BH lần đầu, nhằm tránh tổn thất lớn hơn. Cần lưu ý, việc tạm ngừng phát hành thẻ BHYT sẽ không ảnh hưởng đến người tham gia BHYT tự nguyện ( từ trước đó) khi đi khám chữa bệnh cũng như các đối tượng tiếp tục đóng tiền để gia hạn thẻ BHYT đang sử dụng bị hết hạn.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Chênh lệch lớn giữa mức đóng và hưởng BHYT

 

The ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, mức đóng và mức hưởng của người tham gia BHYT tự nguyện đang có sự chênh lệch lớn.

 

Dù BHXH Việt Nam đã quyết định mức đóng BHYT tự nguyện dù ở mức tối đa trong khung quy định liên bộ (Thành thị: 160.000 đồng/ năm; Nông thôn 120.000 đồng/ năm) nhưng cũng chỉ bằng 1/3 mức đóng bình quân của đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Trong khi đó, quyền lợi của hai loại đối tượng này là như nhau.

 

Quá trình thu thấp, chi cao cũng là một trong những nguyên nhân không cân đối được quỹ. Cụ thể, số thu BHYT tự nguyện bình quân năm 2006 của nhân dân chỉ đạt trên 120.000 đồng/người, trong khi số chi KCB bình quân trên 1 thẻ này là 340.000đ/năm.

 

Ngoài ra, việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT theo NĐ 63 và các thông tư hướng dẫn của liên Bộ, cùng với giá dịch vụ y tế, vật tư thuốc cũng đang tăng cao cũng khiến chi phí khám chữa bệnh tăng không ngừng.

 

Bên cạnh đó, số người bị bệnh nặng, bệnh mãn tính cần điều trị ngày càng nhiều, số chi phí phải trả cho mỗi ca điều trị các loại bệnh này từ 21-63 triệu đồng. Mặt khác, các quy định mới đã không đề cập đến trách nhiệm của bệnh viện trong việc tổ chức khám chữa bệnh một cách “hiệu quả, an toàn, tiết kiệm”, việc kiểm soát chi phí của bệnh nhân BHYT cũng không còn do xóa bỏ cơ chế cùng chi trả.

 

Thanh Trầm
(Thực hiện)