Dừng ăn cà rốt ngay nếu xuất hiện triệu chứng này

Minh Nhật

(Dân trí) - Một số ít người lại bị dị ứng với loại củ này, đặc biệt là với cà rốt ở dạng sống.

Cà rốt là một loại củ quen thuộc, phổ biến trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của nhiều gia đình.

Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng, chữa thiếu máu, tăng cường khả năng sinh trưởng đối với trẻ em. Đối với những bệnh nhân đau gan, cà rốt là một vị thuốc tốt của gan mật. Đối với phụ nữ, cà rốt còn có tác dụng làm da hồng hào và mịn.

Tuy nhiên, một số ít người lại bị dị ứng với loại củ này, đặc biệt là với cà rốt ở dạng sống.

Dừng ăn cà rốt ngay nếu xuất hiện triệu chứng này - 1

Cà rốt là một loại củ quen thuộc, phổ biến trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của nhiều gia đình (Ảnh: Getty).

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, việc nấu chín phá hủy các protein gây dị ứng có trong cà rốt sống, giúp hầu hết những người bị dị ứng cà rốt có thể tiêu thụ loại củ này một cách an toàn.

Triệu chứng của dị ứng cà rốt

Dị ứng với trái cây và rau sống thường liên quan tới dị ứng phấn hoa. Đây được gọi là hội chứng dị ứng qua đường miệng hay hội chứng dị ứng chéo giữa phấn hoa và thực phẩm.

Dừng ăn cà rốt ngay nếu xuất hiện triệu chứng này - 2

Triệu chứng của dị ứng cà rốt (Ảnh minh họa: Getty).

Các triệu chứng nhẹ bao gồm tê dại môi và khoang miệng, ngứa và nóng rát môi và miệng. Phản ứng nặng hơn có thể bao gồm hắt hơi, chảy nước mắt, thở khò khè, sưng môi và miệng, thậm chí khó thở.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể bị phản vệ. Đây là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng ảnh hưởng đến hô hấp và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Ban đỏ hoặc mày đay cũng là những phản ứng hiếm gặp với dị ứng cà rốt.

Các yếu tố nguy cơ của dị ứng cà rốt

Những người bị hội chứng dị ứng đường miệng thường cũng bị dị ứng theo mùa. Những người bị hen suyễn hoặc bệnh chàm cũng dễ mắc hội chứng dị ứng đường miệng hơn.

Có yếu tố di truyền mạnh mẽ cho những rối loạn này, vì vậy nếu cha mẹ bạn bị dị ứng với cà rốt, bạn có nhiều khả năng bị bệnh hơn.

Ngoài ra, nhiều người lớn lên sẽ khỏi được các dị ứng thực phẩm, bệnh chàm và hen suyễn, mặc dù người lớn thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng dị ứng đường miệng nhiều hơn trẻ em.

Tiếp xúc liên tục với cà rốt sau phản ứng dị ứng có thể làm tăng nguy cơ phản ứng nặng trong tương lai.

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu nghi ngờ bạn bị dị ứng cà rốt. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để kiểm tra xem bạn có bị dị ứng thực phẩm khác hay không.

Nhiều người dị ứng với cà rốt sống có thể cũng dị ứng với cần tây, lê, táo, kiwi, mơ, đào, hạnh nhân hoặc hạt hướng dương.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc epinephrine tự động tiêm để mang theo bên người. Thuốc chứa liều nhỏ epinephrine, có thể cứu mạng sống nếu bạn bị phản ứng nghiêm trọng.

Những người có tiền sử dị ứng với các chất khác như phấn hoa, trứng, sữa... cần lưu ý khả năng cao cũng bị dị ứng thực phẩm và ngược lại.

Khi có dấu hiệu ban đầu của dị ứng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh những phản ứng nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị dị ứng cà rốt thế nào?

Chiến lược tốt nhất để đối phó với bệnh dị ứng cà rốt là tránh cà rốt sống. Nếu con bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy cho người chăm sóc và giáo viên của bé biết và theo dõi dấu hiệu dị ứng thực phẩm khác ở bé. 

Hãy sử dụng thuốc kháng histamin đường uống nếu bạn gặp phản ứng nhẹ sau khi ăn cà rốt, nhưng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có dấu hiệu bị khò khè, khó thở hoặc sưng phù.

Về lâu dài, những người bị dị ứng cà rốt nên tránh hoàn toàn loại rau này ở dạng sống, và chỉ sử dụng khi đã nấu chín. Cha mẹ không nên tự ý cho con sử dụng các loại thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp, an toàn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm