Dưa hấu tiêm hoá chất là tin đồn ác ý
Hơn một tuần nay, thông tin dưa hấu ngọt và màu đỏ đẹp bởi được tiêm hoá chất rộ lên trên nhiều trang Facebook, được chia sẻ rầm rộ, gây nghi ngại cho nhiều người. Liệu có đúng như vậy?
Hình ảnh trên trang mạng Trung Quốc nơi khởi phát tin đồn dưa hấu tiêm hoá chất.
Chuyện cũ tận bên... Tàu
Trang Facebook TGGĐ được coi là phát xuất của thông tin trên với hai bức ảnh, trong đó người đàn ông trung niên đang dùng kim tiêm vào trái dưa hấu. Kèm theo, là nội dung mang tính cảnh báo: “Các bạn hãy cẩn thận trước khi ăn dưa hấu nhá… Hiện nay có rất nhiều người đã sử dụng tiêm hoá chất vào quả dưa hấu… Chỉ cần tiêm một lượng nhỏ hoá chất vào chúng sẽ dần lan ra toàn bộ quả dưa giúp chúng có màu đỏ sẫm nhìn trong rất bắt mắt… Nên các bạn phải chú ý khi mua dưa không phải trái nào ruột càng đỏ là ngon là tốt đâu nhá...” Cùng với đó là lời nhắn “hãy share (chia sẻ) cho mọi người cũng biết và phòng tránh”. Hình ảnh và thông tin này thu hút gần 30.000 lượt chia sẻ. Thực ra, thông tin này được đăng tải từ tháng 4.2013 nhưng trong vòng hơn một tuần nay, các trang mạng xã hội cá nhân vẫn liên tục chia sẻ, kèm theo là lời lên án việc “tiêm dưa”, thậm chí tẩy chay loại trái cây này.
Những kết quả tìm kiếm về dưa tiêm hoá chất thu được rất ít kết quả ở các trang tin tiếng Việt, tuy nhiên nếu dùng từ khoá “dưa hấu tiêm hoá chất” bằng tiếng Trung Quốc, sẽ cho hơn 500.000 kết quả, đặc biệt có cả hình ảnh như trang Facebook trên đã đăng tải. Rõ ràng, vụ việc dưa hấu tiêm hoá chất trên xuất phát từ một trang mạng Trung Quốc. Nội dung các trang tin này còn phản ánh cả tình trạng “bom dưa”, dưa hấu tự nổ, nứt đôi xảy ra ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) hồi tháng 5.2011 bởi dùng quá nhiều forchlorfenuron (thuốc kích thích tăng trưởng thực vật). Những bài viết về tình trạng “tiêm dưa hấu” xuất hiện muộn hơn, với nội dung vạch trần cách làm, chỉ ra loại “thần dược trái cây” là đường hoá học và thuốc nhuộm. Bài viết trên trang songshuhui.net cách nay chưa lâu, mô tả tiêm cyclamate và carmine vào dưa hấu, phân tích tác dụng và thời gian bảo quản (48 giờ), cùng lời khuyên mọi người cảnh giác với những trái dưa bất thường nhưng không vơ đũa cả nắm, làm thiệt hại nông dân vô tội…
Chưa phát hiện ở Việt Nam
Chúng tôi gửi thông tin “tiêm dưa” cho nhiều chuyên gia lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và nhận được phản hồi là chưa ghi nhận tình trạng này ở Việt Nam, mặc dù việc tiêm nước để tăng trọng lượng cho dưa là có, đặc biệt là hoá chất để thúc trái cây lớn nhanh, chín đều.
TS Nguyễn Văn Phong, viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết để thúc đẩy quá trình chín và cải thiện màu sắc của rau quả, người ta sử dụng dung dịch ethephon bằng cách nhúng hay phun. Chất này được nhiều nước cho phép áp dụng trên một số loại rau quả và luôn có sự giám sát. Theo ông Phong: “Vấn đề là ngoài thành phần ethephon, các thành phần khác/chất độn giúp nó ổn định là những chất gì? Có thực sự an toàn không?” Ở một số nước như Mỹ, ethephon được sản xuất với tên thương mại là ethred chứa 10 - 20% ethephon và một số thành phần thuốc trừ nấm, được dùng cho giai đoạn trước thu hoạch. Với dưa hấu, chất kích thích tăng trưởng từng được ghi nhận là forchlorfenuron.
“Những thông tin ở nước ngoài, chưa được kiểm chứng rõ thì không nên phát tán, phóng đại gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là thiệt hại cho người nông dân”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam. |
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam, cũng cho biết từng ghi nhận tình trạng ngâm, xịt thuốc để trái cây chín nhanh chứ chưa ghi nhận vụ “tiêm dưa” nào: “Nếu dùng thuốc làm cho trái không bị thối là agriphos hay tiêm nước để tăng trọng lượng thì nghe còn có lý, chứ không thể bỏ thời gian tiêm từng trái bởi một ký dưa hấu giá 3.000 – 4.000 đồng mua tại gốc, rẻ quá ai làm làm gì”, ông Châu nhận định.
Theo PGS Châu, những thông tin ở nước ngoài, chưa được kiểm chứng rõ thì không nên phát tán, phóng đại gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là thiệt hại cho người nông dân: “Hiện nay, với kỹ thuật canh tác, giống mới thì việc trồng dưa ở ta cho năng suất cao và chất lượng tốt. Còn về phía người tiêu dùng, nên lựa chọn những loại trái cây có bao bì nhãn mác rõ ràng, thông tin chi tiết và địa chỉ tin cậy như siêu thị, những nơi có chứng nhận VietGAP càng tốt bởi đó là dưa được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn”.
Theo Trọng Văn
Sài Gòn tiếp thị