1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đùa giỡn quá trớn với cún cưng, cô gái 18 tuổi ở TPHCM bị cắn rách môi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bị giật mình vì chủ đùa giỡn quá mức, chú cún cưng bất ngờ táp vào mặt cô gái 18 tuổi, khiến cô gái bị rách toạc sâu một đường dài ở môi, phải nhập viện cấp cứu.

Trưa 25/8, H.L.C (18 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng rách môi trên và môi dưới nặng.

Qua khai thác thông tin, bệnh nhân cho biết trước đó có chơi với cún cưng của mình. Vì đùa giỡn quá mức khiến chú chó giật mình, C. bất ngờ bị vật nuôi tấn công và cắn vào vùng mặt, khiến miệng rách toạc sâu một đường dài và chảy máu lênh láng.

Đùa giỡn quá trớn với cún cưng, cô gái 18 tuổi ở TPHCM bị cắn rách môi - 1

Vùng môi cô gái rách toạc, máu chảy nhiều sau khi bị cún cưng cắn (Ảnh: BV).

Dù đã cố sơ cứu nhưng máu vẫn không ngừng chảy, cô gái được gia đình đưa đến một cơ sở y tế để tiêm vaccine bệnh dại, trước khi đến bệnh viện thẩm mỹ để đặt vấn đề xử lý vết thương vì sợ để lại sẹo xấu, ảnh hưởng đến diện mạo sau này.

Qua thăm khám lâm sàng, ekip điều trị xác định bệnh nhân bị rách cơ bờ môi trên dài 3cm, sâu 1,5cm và rách niêm mạc bờ môi dưới, vết rách dài gần 2cm.

"Ngoài việc thực hiện các sơ cứu cần thiết, yếu tố thẩm mỹ cũng rất quan trọng đặc biệt là đối với các vết thương trên gương mặt. Đối với những vết thương hở lớn cần được xử lý kịp thời nhằm tránh để lại sẹo xấu", bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.

Đùa giỡn quá trớn với cún cưng, cô gái 18 tuổi ở TPHCM bị cắn rách môi - 2

Môi của cô gái sau khi được khâu thẩm mỹ (Ảnh: BV).

Bệnh nhân được tiến hành mở vết thương để vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ, sau đó khâu tạo hình thẩm mỹ vùng môi theo đúng từng lớp cơ nhằm phục hồi lại cấu trúc cơ, tránh trường hợp môi bị lệch.

Bác sĩ khuyến cáo, các bạn trẻ cũng như những gia đình có nuôi thú cưng cần chú ý khi chơi cùng vật nuôi trong nhà để tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Ngoài các thao tác khâu cấp cứu, vấn đề thẩm mỹ cũng là yếu tố cần được ưu tiên, để bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến tinh thần, cuộc sống sau này.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Hằng, nguyên Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, hàng tháng nơi đây đều gặp các trường hợp bệnh nhi bị chó tấn công.

Đặc biệt là giờ trưa, khi chó đến giờ ăn và trẻ di chuyển đến gần. Theo bản năng, chó sẽ nghĩ bị giành, lấy đồ ăn của nó nên tấn công.

Thông thường, chó sẽ cắn vào vùng mặt, vì là vùng gần tầm tấn công nhất. Lại có những gia đình cho trẻ gần gũi, ôm, hôn, ăn ngủ ngay cạnh chó nuôi như thú cưng và xảy ra tai nạn.

Bác sĩ chia sẻ, răng của chó rất dơ, ngoài nguy cơ truyền bệnh dại, người bị cắn cũng có thể bị nhiễm sán, vi trùng uốn ván, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Vết thương chó cắn cũng gây dập nát, làm khó khăn trong vấn đề xử lý thẩm mỹ. Có trường hợp trẻ bị liệt mặt, gây sẹo co rút, mặt lồi lõm, ảnh hưởng đến chức năng cơ thể khi trẻ lớn lên.