Đột phá tạo trứng từ tế bào máu - dấu chấm hết cho vô sinh?

(Dân trí) - Lần đầu tiên trên thế giới, một phòng thí nghiệm ở Nhật Bản đã tạo ra trứng người từ các tế bào máu.

Cũng chính nhóm nghiên cứu này đã tạo ra tinh trùng và trứng từ tế bào da của chuột - và một lứa chuột đã được sinh ra thành công từ trứng tạo ra từ tế bào da.

Các nghiên cứu đột phá đã tiếp thêm hy vọng cho việc chấm hết vô sinh, nhưng đi kèm với nó là một danh sách dài những tình thế khó xử và các câu hỏi đạo đức.

Khoảng 1/10 số cặp vợ chồng ở Mỹ bị hiếm muộn - và một số trong số đó là những cặp đồng giới hoặc cha mẹ đơn thân phải dựa vào tinh trùng hoặc trứng hiến tặng, IVF, và trong một số trường hợp là mang thai hộ.

Nếu nghiên cứu của TS. Mitinori Saitou và phòng thí nghiệm của ông tại Đại học Kyoto tiếp tục cho thấy những triển vọng, tất cả có thể thay đổi.

Nhưng một số nhà đạo đức lo ngại rằng việc đóng cánh cửa vô sinh có thể nhanh chóng mở ra các cửa xả lũ cho những em bé thiết kế sẵn, thuyết ưu sinh và những khúc mắc pháp lý mà xã hội chúng ta có thể chưa được chuẩn bị để giải quyết.

trung 1.jpg

Bức ảnh này cho thấy các tế bào trứng chuột được tạo ra từ các tế bào gốc biến đổi từ các tế bào da chuột. Một kỹ thuật tương tự ở người sẽ đặt dấu chấm hết cho vô sinh

 

Tế bào da được biến thành tinh trùng lần đầu tiên như thế nào?

Viagra, penicillin, X-quang, insulin: Một số phát minh lớn nhất của y học đến từ sự tình cờ.

Và một ngày nào đó, chúng ta có thể nhớ lại rằng công nghệ cho phép bất cứ ai có con – thậm chí có thể với chính họ - cũng có một lịch sử như vậy.

Phần lớn câu chuyện về nguồn gốc của tế bào giới tính và sự phát triển phôi vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng ta, và vào năm 2011, một nhà khoa học khác, TS. Katsuhiko Hayashi đã quyết định giải quyết phần tinh trùng của phương trình này.

Trước đó các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng họ có thể quay ngược đồng hồ phát triển ở các tế bào trưởng thành cho đến khi chúng trở về tế bào gốc, nền tảng chưa biệt hóa của tất cả các mô cơ thể.

Hayashi cho rằng có thể sử dụng các tế bào này để tạo ra các tế bào giới tính, và bằng cách quan sát quá trình được kiểm soát cẩn thận, ông sẽ biết tinh trùng phát triển như thế nào.

trung 2.jpg

Tiến sĩ Mitinori Saitou đã biến tế bào máu người thành tế bào trứng của người, một khám phá giúp nhân loại tiến gần hơn đến việc định nghĩa lại thế nào là sinh sản.

 

Nghe có vẻ giống như nghiên cứu của một người đang cố gắng giải quyết vấn đề vô sinh.

Saitou kể rằng lúc đó ông không thực sự quan tâm đến vấn đề này - nhưng cuối cùng ông đã có một khám phá có thể thay đổi mãi mãi cách chúng ta sinh sản.

Hayashi đã cố gắng tạo ra tinh trùng từ tế bào da, và ông đã thành công.

Tiếp theo, ông và phòng thí nghiệm của ông đã quyết định tạo ra nửa còn lại của sự kết hợp duy nhất cần thiết để tạo phôi: tế bào sinh dục nữ phức tạp hơn nhiều - trứng.

Tinh trùng là loại tế bào nhỏ nhất trong cơ thể con người, và không hơn gì một phương tiện chuyên chở thông tin di truyền. Trong khi đó, trứng là tế bào lớn nhất và được trang bị để duy trì sự phát triển của phôi.

Theo một cách nào đó, trứng quý hơn tinh trùng. Phụ nữ được sinh ra chỉ với khoảng 300.000 trứng và rất ít người còn những quả trứng “sống” sau 42 tuổi. Khi một người đàn ông xuất tinh, anh ta có thể giải phóng tới 300 triệu tế bào tinh trùng và tinh hoàn của anh ta sẽ tiếp tục sản xuất nhiều hơn cho đến khi chết.

Năm 2016, TS. Hayashi và TS. Saitou đã công bố những phát hiện đáng kinh ngạc. Họ không chỉ thành công trong việc tạo ra tế bào trứng hoàn toàn từ da chuột trong ống nghiệm, mà còn thụ tinh cho các tế bào trứng và sử dụng IVF để cấy chúng vào chuột sống.

Mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ phôi sống được, nhưng chuột đã sinh ra 8 con còn sống và chỉ ăn 2 con của mình, như một thói quen phổ biến ở chuột.

Saitou và TS. Hayashi chia tay, và TS. Saitou bắt đầu mày mò với tế bào người.

Chuyển sang tế bào người

Sử dụng quy trình tương tự, ông đã quay ngược đồng hồ của tế bào máu người và lần đầu tiên, tạo ra một quả trứng người giai đoạn đầu trong ống nghiệm, một thành tựu mang tính bước ngoặt được báo cáo trên tờ Science tháng 9/2018.

Nhưng để trứng của con người phát triển đầy đủ có thể cần một buồng trứng để nó phát triển, một dự án mà một trong những thành viên phòng thí nghiệm của TS. Saitou, nghiên cứu sinh Chika Yamashiro hiện đang thực hiện.

trung 3.jpg

Hayashi và nhóm của ông đã thụ tinh và cấy tế bào trứng mà họ tạo ra từ da chuột vào chuột mẹ và thu được 8 chuột con còn sống (trong hình là 6 con không bị chuột mẹ ăn).

IVG sẽ mở ra cuộc chiến về pháp lý và đạo đức?

Cho dù Chika Yamashiro- hoặc các nhóm nghiên cứu khác ở Nhật Bản, Trung Quốc và Đại học Cambridge ở Anh – có giải quyết được vấn đề này đi nữa, thì có lẽ sẽ phải mất một thời gian nữa thì công nghệ đáng chú ý này mới đến được với những cặp vợ chồng hiếm muộn, theo TS. Caplan.

Nghiên cứu này đưa ra nhiều quan niệm gây tranh cãi tương tự như những nghiên cứu về nhân bản và tế bào gốc.

Nó cũng đặt ra một câu hỏi xã hội cơ bản hơn.

“Khi bạn nhận ra rằng có một bản sao DNA của bạn đang ngủ trong mọi tế bào trong cơ thể và nhận ra rằng bạn có thể đánh thức nó bằng sự kết hợp sinh hóa đúng đắn, thì sự tiết lộ đó thực sự đóng một chiếc đinh lớn vào khái niệm cha mẹ đã tồn tại từ hàng ngàn năm,” TS. Caplan nói.

Nếu quá trình này, được gọi là “tạo giao tử trong ống nghiệm (IVG)”, hoạt động ở người, “mô của bất kỳ ai cũng có thể biến thành tinh trùng hoặc trứng”, bạn có thể có con với “ai đó đang chết, chưa dậy thì, nam hoặc nữ”.

"Đột nhiên, quan niệm truyền thống về mẹ và cha" trở nên ít rõ ràng hơn.

Khi các quan niệm xã hội về giới tính thay đổi, IVG có thể mang đến cơ hội mới cho các cặp vợ chồng đồng giới, những người không thể đứa con có chung DNA của họ.

Nhưng điều này cũng sẽ dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm tôn giáo.

Thêm vào đó, về mặt đạo đức, đây đơn giản không phải là nhu cầu cấp bách nhất.

"Không giống như chúng ta thiếu tinh trùng hoặc trứng trên toàn thế giới, và nó sẽ không rẻ vì vậy kỹ thuật này có thể sẽ được sử dụng cho người giàu", ông nói.

Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, một số người có thể lập luận rằng các khoản tiền đáng kể cần thiết cho nghiên cứu IVG có thể được áp dụng tốt hơn cho các bệnh gây gánh nặng cho nhân loại.

Và các động thái nghiên cứu IVG càng tiến về phía trước, các vấn đề đạo đức sẽ càng phát sinh.

Cẩm Tú

Theo DM

Bình luận (0)
để gửi bình luận