“Dọn dẹp” ruột sau Tết
Sau những ngày Tết “mâm cao, cổ đầy”, rượu thịt ê chề, chắc chắn rằng hệ thống ruột sẽ trở nên “bề bộn” hơn. Đây là thời điểm thích hợp để “chấn chỉnh” lại hệ thống đường ruột, bởi nếu không, chúng ta sẽ gặp vô số điều phiền phức cho sức khỏe.
Nhiều thầy thuốc cho rằng đa số bệnh tật khởi phát từ ruột và thực tế cho thấy ruột là nơi ung thư rất dễ xuất hiện.
Nhiều phiền lụy từ ruột
Có thể nói táo bón, nhiễm trùng thận, nhiễm trùng bàng quang, nhiễm nấm âm đạo; rồi hơi thở có mùi “khó ưa” hay cơ thể nặng mùi “dễ xa nhau”, nhiễm nấm ở móng tay, móng chân… đều từ ruột mà ra. Nhiều thầy thuốc cho rằng đa số bệnh tật khởi phát từ ruột và thực tế cho thấy ruột là nơi mà ung thư rất dễ xuất hiện.
Tại ruột, độc chất sẽ có 2 hướng đi khác nhau. Đối với ruột khỏe mạnh và sạch sẽ, độc chất sẽ bị bài tiết ra ngoài cơ thể. Còn đối với ruột ốm yếu và “mất vệ sinh”, độc chất sẽ ung dung đi vào gan, vào hệ tuần hoàn máu rồi gây ô nhiễm cho toàn bộ cơ thể.
Tại ruột, một hỗn hợp được tạo thành bao gồm thức ăn, nước, các chất xơ không tiêu hóa, vi khuẩn, axít mật… Nếu thời gian “quá cảnh” tại ruột quá lâu, các loại vi khuẩn và nấm sẽ sinh trưởng, đồng thời độc chất cũng được tái hấp thu.
Lựa chọn những loại thực phẩm thích hợp sẽ có tác dụng “dọn dẹp” và “giải lao” cho ruột. Những loại thực phẩm có tác dụng làm sạch ruột là các loại có nguồn gốc thực vật. Cần chú ý đến những loại thực phẩm sau:
Loại giàu chất xơ
Vai trò của chất xơ giống một cái chổi quét đường. Chất xơ còn giúp kích thích nhu động ruột, nhờ đó sẽ rút ngắn thời gian “quá cảnh” của thức ăn tại ruột. Chất xơ cũng có tác dụng giúp ruột ẩm ướt, từ đó làm cho chất bài tiết trở nên mềm.
Hệ thống ruột chúng ta cần cả chất xơ tan và chất xơ không tan để làm sạch mỗi ngày. Chất xơ tan đơn giản là chúng tan được trong nước, còn chất xơ không tan sẽ không tan được. Chất xơ không tan rất cần thiết cho việc bài tiết và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ tan có tác dụng làm tăng trưởng các loại vi khuẩn có lợi trong hệ thống ruột, giúp tạo ra những “kháng sinh” tự nhiên có khả năng loại bỏ các vi khuẩn gây hại như Salmonella, Campylobacter và E. coli.
Hạt lanh và yến mạch là những loại thực phẩm dẫn đầu danh sách có nhiều chất xơ nhất, gồm cả chất xơ tan và chất xơ không tan. Một muỗng canh hạt lanh nghiền nát chứa khoảng 4-6 g chất xơ. Những loại thực phẩm khác cũng chứa nhiều chất xơ gồm các loại đậu, gạo, lúa mạch, trái cây họ cam quít, táo, dâu tây, bắp cải, cà rốt, bông cải trắng…
Nhu cầu về chất xơ mỗi ngày là từ 25 đến 35 g. Tuy nhiên, bữa ăn thời nay có hàm lượng chất xơ giảm rất nhiều, mỗi khẩu phần chỉ khoảng 10 g chất này. Để bảo đảm lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể, mỗi ngày nên ăn nhiều rau cải và trái cây.
Loại “thực phẩm xanh” và lên men
“Thực phẩm xanh” dùng để chỉ những loại rau quả củ, tảo… có chứa nhiều chlorophyll. Ngoài làm sạch ruột, chlorophyll còn có tác dụng làm dịu ruột và chữa lành những mô bị hư hỏng trong hệ tiêu hóa. Chlorophyll còn giúp tăng cường ôxy cho cơ thể và giúp cơ thể tống độc tố ra bên ngoài.
Một bữa ăn có quá nhiều carbohydrates và ít chất xơ sẽ làm giảm số lượng các loại vi khuẩn có lợi, làm biến đổi hệ sinh thái của vi khuẩn có lợi trong ruột. Những loại thực phẩm lên men như sữa chua, súp miso… sẽ có tác dụng làm tăng trưởng các loại vi sinh vật có lợi trong ruột.
Một cơ thể thiếu nước sẽ dễ mắc chứng táo bón, đồng thời độc chất sẽ dễ dàng tích lũy ở ruột và thận. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều thịt hoặc thức ăn chứa nhiều muối hay hoạt động thể chất quá mức trong điều kiện khí hậu nóng, khô… thì cần phải cung cấp nước cho cơ thể nhiều hơn. Thời điểm uống nước tốt nhất là 20 phút trước bữa ăn. Khi khát nước, cố gắng uống nước trắng tinh khiết, tránh uống các loại nước ngọt hoặc nước có gaz.
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
Người lao động