Đối tượng sản xuất sữa giả thủ đoạn rất tinh vi, chỉ bán qua Lazada, Shopee
(Dân trí) - Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM, trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô 14,5 tỷ đồng, các đối tượng đã liên tục thay đổi địa điểm sản xuất và có thủ đoạn bán hàng rất tinh vi.
Hàng ngàn cơ sở vi phạm bị phát hiện
Báo cáo tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP), trực thuộc UBND TPHCM, diễn ra ngày 18/7, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng ban kiêm Phó Giám đốc Sở ATTP TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về ATTP.
Trong đó, có 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm (các vụ việc ở trường tiểu học Nguyễn Hiền - TP Thủ Đức và trường tiểu học Kim Đồng - quận 7), 2 vụ đang chờ kết luận từ UBND quận Bình Tân và TP Thủ Đức. Cơ quan chức năng cũng giám sát 10 sự kiện, lễ hội được tổ chức từ đầu năm đến nay, kết quả không xảy ra sự cố về ATTP trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Về công tác thanh kiểm tra và hậu kiểm, xử lý vi phạm, 6 tháng đầu năm, TPHCM tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các nhóm sản phẩm nguy cơ cao, nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Các trường hợp vi phạm về ATTP, về giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm.
Kết quả, trong số hơn 40.400 cơ sở được thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm, xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở (tổng số tiền gần 3 tỷ đồng). Nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn đã bị tịch thu và tiêu hủy, bao gồm các loại bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm từ động vật... Có 3 cơ sở bị đình chỉ và chuyển cơ quan điều tra 1 cơ sở.
Thành phố cũng thực hiện rà soát 4.080 sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 63 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định.
Đặc biệt, vào ngày 19/1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra bắt quả tang, khám xét cơ sở của đối tượng Vũ Thành Công cùng đồng bọn đang thực hiện hành vi sản xuất sữa giả các nhãn hiệu của Công ty Abbott, tại nhà xưởng ở TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Qua đó, cơ quan chức năng tạm giữ số lượng rất lớn tang vật liên quan gồm 7.525 lon sữa bột giả thành phẩm; vỏ lon sữa bột, bao bì, tem nhãn; máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để dập nắp lon sữa… tổng trị giá ước tính khoảng 14,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở ATTP TPHCM, để tránh bị phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả, khoảng hơn 10 ngày các đối tượng đã thay đổi địa điểm sản xuất từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương, cũng như thủ đoạn bán hàng rất tinh vi (chỉ bán online qua các kênh thương mại điện tử Lazada, Shopee). Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ..
Nhiều khó khăn về quản lý ATTP cần được tháo gỡ
Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm, tổng số trường hợp xử phạt vi phạm hành chính là 28 trường hợp (với tổng số tiền 136 triệu đồng).
Các hành vi vi phạm liên quan đến công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y. Tang vật xử phạt vi phạm hành chính là hàng trăm con heo, hàng ngàn ký thịt heo, gần 4.000 con gà thịt, 6kg phụ phẩm.
Theo ông Lê Minh Hải, qua hội nghị, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM mong muốn được xin ý kiến chỉ đạo của Thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm ATTP.
Đơn cử như vấn đề pháp lý, khi có những hành vi không đúng nhưng xử không được, vì theo quy định không vi phạm hành chính.
Thứ hai, trong thời đại bùng nổ công nghệ, nhiều trường hợp phát hiện sai phạm trong quảng cáo nhưng không thể truy xuất được nguồn gốc để tiến hành xử phạt. Thứ ba, số quy chuẩn kỹ thuật về ATTP chưa phổ biến rộng khắp trong các lĩnh vực mà ngành ATTP quản lý.
Khó khăn cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực trong công tác triển khai đảm bảo ATTP.
"Khi thành lập Sở ATTP, chúng tôi có 488 biên chế nhân sự, nhưng giờ chỉ còn 304 biên chế. Trong khi đó tại các quận huyện, chỉ có dưới 10 người làm công tác đảm bảo ATTP, nhưng chỉ có 4-5 người chuyên trách thường xuyên. Còn lại là nhân sự từ trung tâm y tế có khoa ATTP.
Trung bình một quận, huyện có 300-400 cơ sở, nhưng chỉ vài người làm công tác đảm bảo ATTP, kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong công tác tham mưu cho UBND địa phương để xử lý công tác ATTP…", ông Hải nói.