"Đọc" sức khỏe qua kiểu cằm
(Dân trí) - Một nghiên cứu với hơn 6.600 thanh thiếu niên độ tuổi 12-17 tham gia đã cho thấy tình trạng của cằm hiện tại sẽ cho biết rất nhiều về sức khỏe thời thơ ấu.
Cằm nhô ra (cằm lưỡi cày)
Cằm dưới phát triển và lồi ra ngoài nhiều hơn so với cằm trên nên khi nhìn nghiêng khuôn mặt có hình giống như lưỡi cày còn tên gọi đúng là “nhô cằm dưới”.
Cằm lưỡi cày thể hiện một người có cơ và hệ xương chắc khỏe nhưng họ cũng có xu hướng mập mạp. Nếu hàm đối xứng thì chắc chắn họ thừa hưởng từ cha mẹ hay tổ tiên.
Cằm lẹm (móm)
Cằm lẹm là chiếc cằm có phần dưới bị lõm, thụt vào bên trong khiến 3 điểm trên khuôn mặt gồm đỉnh mũi, môi và cằm không thẳng hàng.
Người có chiếc cằm này chứng tỏ cơ bắp yếu, xương khớp mềm dẻo, khó mập và có nguy cơ bị mù màu.
Nếu bẩm sinh bị cằm lẹm thì khi sinh sẽ dễ nhẹ cân hơn. Một chiếc cằm lẹm đối xứng cũng là một đặc điểm di truyền.
Hàm bất đối xứng (cằm lệch)
Sự bất đối xứng của hàm không phải là bẩm sinh mà là một đặc điểm hình thành do căng thẳng thời thơ ấu như thiếu đạm, cai sữa sớm, ngộ độc kim loại nặng, béo phì, hút thuốc. Nguyên nhân có thể là do sinh ra trong 1 gia đình nhiều anh chị em, thu nhập thấp... làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng hay chăm sóc y tế.
Cả cằm lưỡi cày và cằm lẹm đều có thể bị lệch. Theo các kết quả nghiên cứu, cứ 4 người có 1 người bị cằm lệch. Sự bất đối xứng này rất khó nhận ra bằng mắt thường, trừ chuyên gia chỉnh hàm mặt.
Bạn sẽ bị cằm lệch nếu:
- Nhai nhiều về một bên hàm (trái/phải)
- Bạn dùng răng để cắn vỡ chứ không phải nhai
- Mảng bám răng ngày càng nhiều ở một số răng
- Đôi khi lợi bị chảy máu.
Cằm cân đối và phẳng
Theo kết quả nghiên cứu, cấu trúc phẳng và cân đối của cằm cho thấy người sở hữu nó hoàn toàn không bị ảnh hưởng hay tác động từ các yếu tố, môi trường bên ngoài.
Nhân Hà
Theo Brightside