Doanh nhân, trí thức phát điên vì cơn lốc tiền
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở VN vài năm qua đã khiến một số người phải nhập viện tâm thần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Bệnh viện tâm thần Mai Hương cho biết, hiện nay trong đời sống của giới trí thức có nhiều hành vi bị liệt vào chứng tâm thần nhưng ít ai để ý. Chẳng hạn như một số phụ nữ thành đạt song lại nghiện mua sắm một cách thái quá mà không hề hay biết.
Theo như bác sĩ Thu kể thì có trường hợp của chị Ng.T, Giám đốc của một công ty du lịch, có một giai đoạn mắc bệnh cuồng mua sắm. Ngày nào Ng.T cũng vào siêu thị mua sắm hết hàng chục triệu đồng, nếu không sẽ chẳng thể nào chịu được.
Mua sắm nhiều đến nỗi có lần chị phải thuê cả ôtô tải chở đồ về nhà chất hàng đống mà không hề dùng đến. Ngày hôm sau, chị lại tiếp tục đi mua sắm, đến mức nhiều người nói đùa rằng chị cứ đi đến đâu là kinh tế ở đó nở hoa. Kết cục, người nhà hoảng quá phải đưa Ng.T đi bệnh viện điều trị.
Hay như trường hợp bệnh nhân Đào Minh A (Nghệ An) nhập viện do bệnh thích xài tiền quá tay - hưng phấn tột độ. A là chủ một công ty tư nhân. Dù công việc kinh doanh gặp khó khăn, đơn đặt hàng chỉ "đếm trên đầu ngón tay" nhưng lúc nào A cũng vui vẻ, lâng lâng, lạc quan yêu đời.
Những lúc vui vẻ, cậu hay đọc thơ ca, ví von hóm hỉnh, nói luôn miệng, tự đánh giá cao bản thân, thậm chí coi thường người khác. Có khi trong một cuộc mua sắm, A có thể bao toàn bộ tiền cho bạn mà không hề ngừng tay.
Thời gian gần đây, việc kinh doanh ngày càng sa sút hơn, A thiếu tiền trầm trọng. Từ đó, A chán ăn, mất ngủ triền miên, miệng hay nói nhảm … Thấy A có những biểu hiện lạ, vợ của A đã đưa chồng vào viện khám, cả nhà mới "ngã ngửa" khi biết A bị rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Thu cho hay, những người được đưa tới điều trị thường là những trường hợp muộn, để lại hậu quả. Có người thì tự tử không thành, có người lại làm những chuyện mà người ta vẫn cho là “điên”. Như vậy khiến việc điều trị dứt điểm là rất khó.
Nhiều trường hợp, người nhà đưa bệnh nhân đến khám rồi nhận thuốc mang về nhà điều trị. Nhưng những người thân này chỉ cần nói với người bị bệnh đó là thuốc chữa bệnh điên, thì chính những người bị bệnh sẽ không chịu uống thuốc.
Bởi họ không thể ý thức được tình trạng bệnh của mình và không công nhận mình bị điên. Chính điều đó khiến cho một số trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.
Cúng theo bác sĩ Thu, trong số bệnh nhân trí thức, công chức, có rất nhiều người trẻ tuổi, đó là những người dễ bị tổn thương về tâm lý, bản thân ít chịu thất bại trong cuộc sống. Họ thuộc mọi ngành nghề, nhất là những nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, nhà báo…
Phó Hiệu trưởng tâm thần vì xem phim quá nhiều
Có mặt tại khu vực khám chữa bệnh của bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi được chứng kiến rất nhiều câu chuyện liên quan tới chứng bệnh tâm thần tại đây. Từ những trường hợp ở thể nhẹ như bị rối loạn giấc ngủ, cảm xúc thay đổi bất thường, trạng thái bồn chồn bất an, buồn chán, giảm khả năng tư duy đến các triệu chứng nặng như hoang tưởng, ảo giác, sa sút tâm thần.
Đang mải mê suy nghĩ, chúng tôi bỗng giật mình bởi một bệnh nhân ngây ngây ngô ngô, miệng thì liên tục nói toàn những điều không tưởng khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng giật mình. Hỏi ra mới biết đó là chị Nguyễn Thị H, 31 tuổi ở Thái Nguyên. Chị H, trước đây là Phó hiệu trưởng một trường mầm non nổi tiếng, nay bị mắc chứng lo lắng, hoảng sợ và không thể tập trung làm việc.
Do có chồng là cảnh sát hành sự hay phải đi công tác, vợ ở nhà thường xuyên xem phim có cảnh chém giết nên mỗi lần chồng xa nhà, chị H lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Lâu dần tình trạng ngày càng trầm trọng hơn dẫn đến chị bị nói nói nhảm, nói nhiều mà không hề hay biết. Mới đây gặp ai chị cũng hét toáng lên “trốn, trốn đi không chúng nó bắn chết”.
Theo bác sĩ BV tâm thần Mai Hương thì đây là một trong những bệnh nhân bị chứng rối loạn cảm xúc. Rối loạn cảm xúc là tình trạng rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi bất ổn về tinh thần. Bệnh mang tính chu kỳ tức là người bệnh có thể chuyển từ cảm xúc hưng phấn (vui vẻ tột độ) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm) và ngược lại một cách nhanh chóng.
Cùng với sự tác động từ cảm xúc, cơ thể người bệnh cũng phát ra những dấu hiệu như: Chán ăn, mất ngủ, gầy sút; hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên…Mới đầu, người bệnh sẽ ngủ ít dần đi, thậm chí là cảm thấy không cần phải ngủ cũng được.
Theo Hạnh Thúy - Minh Thùy
Vietamnet