Doanh nghiệp cùng hợp tác cải thiện dinh dưỡng lâm sàng
Dinh dưỡng lâm sàng là một khâu quan trọng trong điều trị toàn diện cho người bệnh, để có kết quả điều trị tốt nhất.
Dinh dưỡng lâm sàng tại Việt Nam: Nhiều số liệu đáng trăn trở
Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh có vai trò quan trọng ngang với điều trị chuyên môn. Nhưng vấn đề này chưa nhận được sự chú trọng đúng mức ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, mọi loại thuốc điều trị chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi thể chất người bệnh đạt trạng thái ổn định, không suy kiệt vì thiếu hụt dinh dưỡng. Thế nhưng, các nghiên cứu ở nhiều bệnh viện cho thấy: Có 30 - 60% bệnh nhân Việt Nam bị thiếu hụt dinh dưỡng trong quá trình nằm viện, cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới 20-50%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như: chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng không biết dinh dưỡng thế nào là đầy đủ, cân bằng và hợp lý (ăn kiêng quá mức trong quá trình điều trị, dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng... ).
Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số nhanh trong khi cơ sở vật chất tại các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chưa theo kịp, thường xuyên quá tải; các bác sĩ hầu hết chỉ đủ thời gian để tập trung điều trị chuyên môn.
Theo nghiên cứu, bệnh nhân suy dinh dưỡng có tỷ lệ biến chứng cao hơn, dẫn đến cần nhiều công chăm sóc điều dưỡng, cần nhiều thuốc hơn, và có tình trạng phụ thuộc nhiều hơn do giảm khối cơ… Tất cả các vấn đề trên dẫn đến tăng chi phí điều trị ngoài việc, tăng thời gian nằm viện…
Trước thực trạng nhiều nền kinh tế APEC đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ người cao tuổi (đối tượng cần đến sự chăm sóc sức khỏe nhiều hơn), dinh dưỡng lâm sàng càng trở thành một vấn đề trọng tâm cần tìm giải pháp.
Abbott: Đồng hành cùng Việt Nam “Cải thiện Chất lượng Dinh dưỡng Lâm sàng”
Nhận biết được các vấn đề trọng tâm liên quan đến nâng cao sức khỏe cho người Việt, năm 2016, Abbott đã cùng Bộ Y tế ký “Bản ghi nhớ hợp tác” trong 2 năm, nhằm triển khai dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam”.
Dự án này phù hợp với Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030, đưa ra mục tiêu cần khôi phục và phát triển hệ thống dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế trong bệnh viện để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho các nhóm bệnh và đối tượng đặc thù.
Theo đó, Dự án tập trung vào xây dựng chương trình cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng áp dụng trong các bệnh viện tại Việt Nam (VN QIP), bao gồm các hoạt động chính: Xây dựng công cụ và quy trình chuẩn để sàng lọc và đánh giá các bệnh nhân thiếu hụt dinh dưỡng tại bệnh viện; Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức và năng lực của các chuyên gia y tế thông qua các khóa tập huấn QIP, hướng dẫn quy trình thực hành VN QIP và quy trình dinh dưỡng lâm sàng chuyên môn cho các cán bộ và nhân viên y tế tại bệnh viện; Công bố kết quả và ứng dụng các hướng dẫn dinh dưỡng tại hơn 50 bệnh viện trên toàn quốc.
Ngoài “Bản ghi nhớ hợp tác”, Abbott cũng đang phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành một nghiên cứu QIP nhằm đánh giá tác động của Chương trình Cải thiện Chất lượng Dinh dưỡng tập trung cho các bệnh nhân suy dinh dưỡng trong quá trình nhập viện.
Cần nhắc thêm rằng trước đó, chương trình “Cải thiện Chất lượng Dinh dưỡng Lâm sàng” đã được xây dựng từ những kết quả nghiên cứu khoa học mà hiệu quả đã được chứng minh: Giảm 17% tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày; Giảm thời gian nằm viện 13,4%; Giảm 50% tỷ lệ loét tì đè mắc phải trong bệnh viện (HAPUs); Giảm 8,8% chi phí y tế… khi có sự cải thiện tích cực về chất lượng dinh dưỡng lâm sàng.
Là nhà tài trợ Bạch Kim cho APEC CEO Summit 2017, cùng chia sẻ những vấn đề trọng tâm tại APEC 2017, Abbott tiếp tục thể hiện cam kết đồng hành cùng các quốc gia APEC trong đó có Việt Nam, giúp đỡ người dân sống khỏe mạnh và trọn vẹn. Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu với gần 130 năm kinh nghiệm cũng cho biết sẽ cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trong dài hạn.
Bảo Hà