Dọa sinh non: Nguy cơ và biện pháp xử lý

Sinh non là một vấn đề không hiếm gặp trong thai kỳ, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Việc cập nhật các kiến thức phòng tránh dọa sinh non là điều mà mọi bà mẹ mang thai cần hết sức quan tâm.

Ảnh hưởng của sinh non tới thai nhi

Ảnh hưởng của sinh non tới thai nhi

Mang thai ở tuần thứ 30, chị Lý Thị Mai (34 tuổi) trong lúc đang làm việc, bỗng bất ngờ thấy bị đau thắt vùng bụng và xương chậu. Vốn được tiên lượng chị có nguy cơ sinh non, chị nhờ đồng nghiệp đưa vào FV - bệnh viện nơi chị khám thai định kỳ. Thật may, nhờ khám thai định kỳ với hồ sơ được theo dõi cẩn thận, các bác sĩ đã kịp thời xử lý tình trạng của chị, giúp chị vượt qua được nguy cơ sinh non.

Chị Mai nằm trong số các bà mẹ may mắn vượt qua được nguy cơ dọa sinh non – một vấn đề mà theo thống kê khoảng gần 20% thai phụ phải đối mặt.

Trẻ sinh non là trường hợp các em bé ra đời với tuổi thai từ 28-37 tuần (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối). Do rời lòng mẹ với thể trạng yếu ớt, trẻ sinh non rất khó tồn tại hoặc tồn tại khó khăn, với nguy cơ di chứng về tinh thần và thể chất. Các thống kê cho thấy 20% trẻ sinh non tử vong trong năm đầu đời. Tại Mỹ, cứ 3 trẻ sơ sinh tử vong thì 2 trong số đó là do sinh non.

Dù tỉ lệ sống sót của trẻ sinh non đang được cải thiện nhưng trẻ sinh non vẫn phải đối mặt với các vấn đề rất đáng tiếc như chậm phát triển về nhận thức, liệt não, động kinh,… Do phổi chưa đủ trưởng thành nên trẻ sinh non có nguy mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Đây cũng là đối tượng dễ bị các khuyết tật bẩm sinh như mù, câm, điếc. Trẻ sinh non cũng rất khó nuôi, thường nhẹ cân, chậm lớn, cha mẹ phải mất nhiều công sức chăm sóc với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để trẻ phát triển kịp như khi trong bào thai.

Những nguy cơ sinh non và dọa sinh non

Tình trạng sinh non có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào. Có hơn 50% trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu giúp thai phụ nhận biết nguy cơ để có phương pháp phòng tránh:

· Những phụ nữ đã có một lần sinh non có nguy cơ sinh non trong thai kỳ tiếp theo cao gấp 2-3 lần. Chấn thương cổ tử cung trong lần sinh đầu cũng là yếu tố gây nguy cơ sinh non cho lần tiếp theo.

· Thai phụ có cổ tử cung ngắn (có thể phát hiện thông qua siêu âm ở giữa thai kỳ), chảy máu âm đạo, là các yếu tố dọa sinh non.

· 25 – 40% các ca sinh non do nhiễm trùng cổ tử cung.

· Một số yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề sinh non có thể kể đến là việc thai phụ hút thuốc, dùng thuốc không theo chỉ dẫn bác sĩ, nhẹ cân hoặc tăng cân quá nhiều, dinh dưỡng kém, thời gian giữa 2 thai kỳ ngắn (6 tháng hoặc ít hơn).

· Các thai phụ bị tiền sản giật, bị bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp…là đối tượng có nguy cơ sinh non cao.

· Phụ nữ phải lao động nặng, làm việc thiếu nghỉ ngơi hợp lý, các sơ xuất trong sinh hoạt có thể cũng gây dọa sinh non.

· Ngoài ra, các vấn đề thai nhi như song thai, đa thai (chiếm tới gần 60% nguy cơ sinh non), nhau tiền đạo, nhau bong non, đa ối, thiếu ối, ối vỡ non, nhiễm trùng ối cũng là yếu tố gây dọa sinh non.

Các dấu hiệu dọa sinh non và cách xử lý

Có những dấu hiệu dọa sinh non mà thai phụ cần nhận biết kịp thời để xử lý như cảm nhận được các cơn co thắt mỗi lúc một thường xuyên, đau thắt ở vùng bụng, xương chậu, chảy máu âm đạo hoặc ra dịch nhầy cổ tử cung, rỏ rỉ ối, đau thắt lưng, đau quặn bụng và đôi khi kèm tiêu chảy.

Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu dọa sinh nonnhư trên, thai phụ phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và theo dõi. Tùy vào tình trạng sức khỏe, thai phụ có thể được điều trị nội hoặc ngoại trú. Thai phụ có thể được tư vấn dùng thuốc để hạn chế các cơ gò tử cung.

Làm gì để ngăn ngừa nguy cơ sinh non?

Theo BS Hiếu, Khoa Sản Bệnh viện FV:“Để ngăn ngừa sinh non, các thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ cần hết sức cẩn trọng. Đây là đối tượng cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết sẽ giúp thai phụ rất nhiều trong việc phát hiện nguy cơ dọa sinh non và cách phòng tránh. Tuy nhiên đáng tiếc là nhiều thai phụ có quan niệm không siêu âm sớm vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi nên khó phát hiện được các nguy cơ dọa sinh non để xử lý kịp thời.”

Cũng theo BS Hiếu, để giảm thiểu nguy cơ sinh non, thai phụ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh bị quá nhẹ cân hoặc tăng cân không kiểm soát. Thai phụ cần được nghỉ ngơi và lao động hợp lý, không bị quá lao lực và không được lạm dụng rượu bia, chất kích thích. Vấn đề tinh thần cũng rất quan trọng, vì thế cần tránh các cú sốc tinh thần và luôn giữ cho đầu óc thoải mái. Đặc biệt các thai phụ có bệnh lý thai kỳ như tiểu đường, huyết áp, các bệnh lý nhiễm trùng âm đạo.... cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và điều trị thích hợp. Tránh dùng thuốc không có chỉ dẫn của bác sĩ.

- Thứ 6 ngày 5.6.2015: Bác sĩ bệnh viện FV kết hợp với các chuyên gia nước ngoàitổ chức khám cho cho thai phụ có nguy cơ thai kỳ cao.Liên hệ khoa Sản bệnh viện FV để đặt lịch khám: (08) 54113535.

- 8g sáng thứ 7 ngày 6.6.2015: Hội thảo cộng đồng miễn phí, chủ đề: “Rủi ro thai kỳ - dọa sanh non, song thai 1 bánh nhau: cách chăm sóc và biện pháp xử lý”. Địa điểm: KS Liberty Central Saigon Riverside (17 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Đặt hẹn tham dự hội thảo: 0962627847 hoặc (08) 54113333 (nhánh máy 1336)

Vân Hà