Dinh dưỡng và bệnh ung thư

Ung thư đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Môi trường bị ô nhiễm do các yếu tố tự nhiên và do chính con người gây ra đều có thể gây hại và là một trong những tác nhân gây bệnh ung thư.

Tuổi nào dễ mắc?

Do khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút, do rối loạn nội tiết, do kích tố trong cơ thể mất cân bằng và do người già phải chịu sự tác động của các yếu tố môi trường độc hại nhiều hơn, dài hơn. Người ta thấy rằng từ 20-60 tuổi, cứ mỗi 10 tuổi tăng lên thì tỉ lệ ung thư tăng lên 2,7 lần và cứ 2 người mắc bệnh ung thư có 1 người ở tuổi 65 trở lên.

Thói quen ăn uống không đúng “mở đường” cho bệnh ung thư

Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư là do lối sống của chính chúng ta gây ra. Những thói quen như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thịt, ít rau, ăn nhiều mỡ và thích ăn các món thịt nướng, thịt hun khói, thường xuyên ăn các món xào, rán và nhất là dầu, mỡ dùng rán đi rán lại nhiều lần là những nguy cơ cao đối với các bệnh ung thư đường tiêu hoá.

Các thực phẩm được chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn, các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là các loại bánh như bánh chả, bánh quy... nếu để lâu ngày chất béo bị ôxy hoá rất dễ gây ngộ độc bởi chất perocyt. Các loại thức ăn bị nấm mốc như lạc mốc, đậu đỗ mốc, tương bị nhiễm mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc... ăn vào dễ bị nhiễm nấm Asp.Flavus có chứa aflatoxin gây ung thư gan. Do đó, không ăn những loại thức ăn này khi đã bị hư hỏng.

Nếu thức ăn bị nhiễm hoá chất độc hoặc do chế biến lâu gây cháy, sinh ra các chất độc gây ung thư thì cũng có thể tránh được bằng một chế độ ăn uống thích hợp.

Dinh dưỡng và bệnh ung thư - 1

Dầu, mỡ dùng rán đi rán lại nhiều lần là những nguy cơ cao đối với các bệnh ung thư đường tiêu hoá.

Tác hại của hút thuốc lá đối với cơ thể thì đã quá rõ ràng. Có tới hơn 20 bộ phận cơ thể bị ung thư do ảnh hưởng của hút thuốc lá. Điển hình là ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, thực quản, phế quản, phổi ở người hút thuốc lá thường xuyên. Uống nhiều rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày, đại tràng và trực tràng.

Ở Mỹ, người ta thấy rằng uống quá nhiều rượu có mối liên hệ với ung thư khoang miệng, thanh quản và thực quản. Thuốc lá và rượu có khả năng cộng hưởng trong việc gây bệnh ung thư. Nếu vừa nghiện rượu vừa hút thuốc lá thì khả năng bị ung thư vòm họng tăng từ 2-5 lần so với chỉ uống rượu hoặc chỉ hút thuốc lá. Người ta cũng thấy rằng nếu nam giới không uống rượu và không hút thuốc lá thì khả năng bị ung thư giảm 76%. Phụ nữ hút thuốc lá tỷ lệ ung thư vú cũng rất cao.

Ung thư vú còn liên quan tới chế độ ăn nhiều chất béo, nhất là ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Do ăn nhiều chất béo dẫn tới béo phì, lượng estrogen trong cơ thể tăng làm nguy cơ bị ung thư vú. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy người có tuổi càng lớn thì nguy cơ bị ung thư càng cao.

Dinh dưỡng và bệnh ung thư - 2

Các thực phẩm được chế biến công nghiệp như xúc xích, lạp xưởng dễ gây ung thư.

Nên ăn những thực phẩm nào?

Một số thành phần thức ăn có khả năng làm giảm nguy cơ gây bệnh như lycopen, vitamin E, C... Chất lycopen có trong cà chua là một trong những hợp chất chống oxy hóa rất có hiệu quả, có tính chất gần giống như beta caroten, vitamin C và vitamin E có nhiều trong các loại rau quả tươi. Do đó, ăn nhiều cà chua giúp hạn chế ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, ngoài ra, nó cũng có tác dụng tương tự đối với một số loại ung thư khác nữa.

Các loại thực phẩm và rau quả có chứa nhiều vitamin C, A, E đều có tác dụng phòng và chống ung thư do khả năng chống oxy hóa cao của nó. Chất xơ, ngoài tác dụng “kéo” cholesterol ra khỏi cơ thể, nó còn có tác dụng chống táo bón, hạn chế được ung thư đại tràng. Mỗi người 1 ngày nên ăn từ 400-500g rau xanh các loại, đây là một khối lượng không nhiều nhưng không phải ai cũng đã ăn đủ.

Sau cùng là nên chọn những cách chế biến đơn giản như ninh, luộc, hấp, kho. Chọn thực phẩm tươi sống có chất lượng tốt, rửa sạch trước khi nấu. Thực hành lối sống lành mạnh, ăn uống hợp vệ sinh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý là những yếu tố tích cực để phòng bệnh.