1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều trị ung thư tốn kém vì nguy cơ nhiễm trùng

(Dân trí) - TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện HH&TM T.Ư cho biết: Tất cả bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất đều có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và xuất huyết não. Đây cũng là nguyên nhân đẩy chi phí điều trị ung thư lên rất cao.

Quá tải tăng nguy cơ nhiễm trùng

“Thường sau 1 - 2 tuần điều trị hóa chất là xuất hiện biến chứng nhiễm trùng. Lúc này, bệnh nhân vừa phải giữ nguyên liều hóa chất để điều trị ung thư, vừa phải dùng kháng sinh khắc phục tình trạng nhiễm trùng. Chi phí điều trị theo đó cũng tăng lên do nhiễm trùng vì đây thường phải là những loại kháng sinh nặng, rất đắt tiền”, TS Khánh nói.

Trong khi đó, tại các bệnh viện điều trị ung thư của Việt Nam nói riêng, tại viện Huyết học nói chung, luôn xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng. Như tại khoa C8 dành điều trị bệnh nhân ung thư của Viện Huyết học, chỉ có 56 giường bệnh mà lúc nào cũng có khoảng trên 120 bệnh nhân nội trú. Thay vì 1 người bệnh 1 giường, có khi, 2 - 3 người phải chen nhau chật cứng trên một chiếc giường cá nhân chật hẹp. Trong môi trường đông đúc, chật chội, người bệnh càng dễ bị lây nhiễm, nguy cơ nhiễm trùng càng cao.
 
"Bệnh nhân điều trị ung thư thể trạng đã yếu, lại phải truyền hóa chất vào cơ thể khiến người càng yếu hơn. Trong khi đó, phải ở trong phòng chật hẹp, 1 giường cá nhân mà phải chứa đến hai, ba người lớn. Nhiều người khi được xếp giường nằm ngoài hành lang còn thấy "sung sướng" hơn vì ở trong phòng rất chật chội, nóng bức, nguyên ngửi hơi người đã thấy mệt mỏi", bác H.T.Dũng đang nằm điều trị bệnh u máu tại Viện tâm sự.

Thêm gánh nặng cho người bệnh

Điều trị ung thư, ngoài bằng hóa chất, thường mỗi bệnh nhân còn phải tốn kém trong việc truyền máu, dùng kháng sinh chữa biến chứng nhiễm trùng.

Có mặt tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, gặp những bệnh nhân đang phải điều trị căn bệnh ung thư máu, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào nỗ lo lắng về bệnh tật, cũng như gánh nặng kinh tế mà bản thân người bệnh và gia đình phải chịu đựng.

TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện HH&TM T.Ư chia sẻ: Với ung thư máu, việc điều trị tốn kém nhất trong các loại bệnh ung thư. Một đợt điều trị u máu từ 4 - 6 tuần, chi phí điều trị tốn khoảng 30 - 60 triệu đồng. Trong khi đó, có những bệnh nhân, phác đồ điều trị lên tới 8 đợt..

Như những người ung thư máu, ngoài điều trị bằng hóa chất, bệnh nhân mỗi ngày thường cần phải truyền 1 đơn vị hồng cầu, 1 đơn vị tiểu cầu, giá gần 600 ngàn. Họ thường phải truyền liên tục từ 10 - 15 ngày, một số tiền không hề nhỏ. Cộng với tiền thuốc kháng sinh hàng ngày.

Một đợt điều trị u máu bằng hóa chất, nếu xuôn xẻ, ít gặp biến chứng, phải ít là 4 tuần, nếu không phải 6 tuần. Sau một đợt điều trị, bệnh nhân thường được nghỉ ngơi 3 tuần, sau lại vào điều trị tiếp.

“Không nói đến chi phí điều trị là bắt buộc, mỗi bệnh nhân trong thời gian nằm viện đều phải có một người nhà trông nom, chăm sóc. Như thế, lại mất thêm một công lao động. Rồi lại tiền sinh hoạt phí của cả hai người trong những ngày nằm viện, tốn kém chất chồng, nhiều người dù có bảo hiểm cũng không thể cố điều trị cho đủ đợt. Cứ đỡ lại xuất viện, về nhà dăm bữa nửa tháng, cố gắng làm ăn, vay mượn, cóp nhặt được chút ít lại đi viện điều trị tiếp”, bác N.V.Bình, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang điều trị ung thư máu tại Viện chia sẻ.

Bác cho biết thêm, bản thân bác là người thành phố, có lương, có bảo hiểm chi trả, nhưng việc chăm nom của người thân cũng rất tốn kém. Chưa kể, nhiều khi thuốc không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả, bệnh nhân phải bỏ tiền túi, 700 ngàn đến 1 triệu/1 hộp thuốc kháng sinh. Vì thế, với người bệnh nghèo, họ thường đi điều trị không đủ đợt.

TS Khánh cũng khẳng định, “Với những bệnh nhân ung thư, nếu không có bảo hiểm, họ sẽ không có đủ khả năng chữa trị. Thậm chí, nhiều bệnh nhân được chi trả đến 80%, nhưng còn vài chục triệu, đối với họ, có bán hết đồ đạc trong nhà cũng không đủ. Kể cả người giàu, sau vài đợt điều trị hóa chất mà không có bảo hiểm thì cũng thành ra rỗng túi, rất khó có khả năng để điều trị lâu dài.

Nhận rõ tính ưu việt đó, hầu như mọi bệnh nhân đang điều trị tại Viện đều có bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân ung thư. Theo BS Khánh, chỉ khi bị đau ốm, mỗi người mới cảm nhận được rõ rệt sự ưu việt của thẻ BHYT, dù không được thanh toán 100%. Ví như mỗi đợt xạ trị, số tiền lên tới 30 - 60 triệu đồng, điều trị 4 đợt, với tổng số tiền tối đa khoảng 240 triệu, nếu có bảo hiểm, người bệnh sẽ được bảo hiểm thanh toán số tiền rất lớn, chỉ phải nộp 20% số tiền điều trị. Còn không có bảo hiểm, họ sẽ phải thanh toán 100%.

Hồng Hải