Điều trị thiếu máu huyết tán

(Dân trí) - Em có người bạn gái bị mắc bệnh máu huyết tán, nguyên nhân của căn bệnh này là gì và có thể chữa trị được không? (Lê Thị Hà- huyện Văn Chấn- tỉnh Yên Bái)

Trả lời của BS. Nguyễn Văn Dũng, BV Việt- Đức

 

Thiếu máu huyết tán là bệnh hay mắc phải ở nữ giới và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ở một số dân tộc ít người tỷ lệ mắc căn bệnh này rất cao. Nếu không được tiếp máu kịp thời người bệnh sẽ suy kiệt và dẫn đến tử vong. Vì vậy bệnh nhân phải được điều trị tại các cơ sở có chuyên khoa huyết học.

 

Người mắc bệnh thiếu máu huyết tán sẽ có hiện tượng huyết cầu tố giải phóng trong máu, tái hấp thu vào tổ chức liên võng để trở thành bilirubin gián tiếp. Khi hồng cầu bị tiêu hủy quá mức (sự tan máu) thì lượng huyết cầu tố trong máu tăng, bilirubin gián tiếp tăng, gây hiện tượng hồng cầu bị giảm đi do nhiều hồng cầu bị tiêu hủy (vỡ ra) gọi là dung huyết, huyết tán hay tan máu sẽ dẫn đến thiếu hồng cầu, vàng da.

 

Biểu hiện và nguyên nhân

 

Bệnh có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ. Người bệnh thiếu máu thường xanh xao, nhợt nhạt, cảm giác mệt mỏi, huyết áp tụt, mạch nhanh, xương khớp bị đau nhức, nhức đầu, hay bị chóng mặt.

 

Có trường hợp sốt cao, rét run, cũng có bệnh nhân không bị sốt. Mắt người bệnh vàng, da vàng nhạt, lách to, mềm. Gan cũng có thể bị to ra; nước tiểu sẫm màu, số lượng ít.

 

Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu huyết tán khá phức tạp, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Huyết tán bẩm sinh do những bất thường về men, về huyết sắc tố trong hồng cầu, trong đó có bệnh Minkowski - Chaufaud, bệnh Cooley, bệnh Thalassemie.

 

Huyết tán mắc phải lại do nhiễm khuẩn huyết như liên cầu, sốt rét, thể sốt vàng đái huyết cầu tố, bị nhiễm độc do ăn phải nấm độc, thạch tín, do dị ứng một số hóa chất như benzen, sulfamid, quinin, một số thuốc giảm sốt, giảm đau...

 

Cũng có thể do tác nhân vật lý như bị bỏng nặng, bị lạnh.

 

Huyết tán còn do các bệnh tự miễn, sau các bệnh ác tính, như bệnh bạch cầu, sắc côm hạch, ung thư, xơ gan, lách to...

 

Phương pháp điều trị

 

Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu  đối với bệnh này là điều trị bằng truyền máu, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị cụ thể. Để giải quyết tình trạng máu dự trữ khan hiếm như hiện nay các bệnh viện lớn đã tiến hành truyền máu từng phần, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết cho cơ thể bệnh nhân.

                                                                                                           

Đối với thiếu máu huyết tán bẩm sinh, nhiều nguyên nhân do yếu tố di truyền, như bệnh Thalassemie. Đối với các nguyên nhân mắc phải (như nhiễm khuẩn, sốt rét, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu...) có thể phòng chống được bằng cách không để xuất hiện các bệnh như đã nêu hoặc khi bị bệnh cần điều trị sớm và triệt để.

 

Vấn đề có vai trò quan trọng trong phòng bệnh là giữ vệ sinh cơ thể, ngủ màn chống muỗi đốt để tránh bị sốt rét, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, không uống rượu, hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với những nơi có môi trường độc hại để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ung thư, qua đó giảm được căn bệnh thiếu máu huyết tán. Vấn đề tư vấn và sàng lọc trước khi sinh cũng đang được đặt ra để giảm thiểu số trẻ sinh ra mắc bệnh.

 

Phạm Thanh