1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Điều trị sẹo lồi bằng laser PDL

Sau chấn thương hoặc phẫu thuật, khi vết thương bắt đầu lành cũng là lúc sẹo hình thành. Làm mờ sẹo không dễ, đặc biệt khi sẹo nổi cộm hẳn trên bề mặt da, gây ngứa, đau, vướng víu hoạt động và nhất là gây mất thẩm mỹ nhưng không phải không làm được.

Với người có cơ địa sẹo lồi, bất cứ vết rách da nào, kể cả vết kim chích cũng có thể tạo ra sẹo lồi - chiếm 15%-20% ở người da vàng như Việt Nam và chủ yếu do di truyền.

 

Sẹo lồi hình thành bởi sự phát triển quá mức và dày đặc chất collagen ở lớp bì và dưới da trong quá trình hồi phục vết thương; thường không tự giảm, mà có khuynh hướng phát triển trở lại sau khi cắt đi.

 

Sẹo lồi thường xuất hiện ở các vùng da: vùng 1/3 ngoài của mặt; phần cổ dưới; phần ngực trên (vùng trước xương ức); bụng; quanh các khớp xương (khuỷu tay, đầu gối…) và thường gặp sau phẫu thuật căng da mặt, đặt túi ngực, cắt mổ bụng; sau phẫu thuật bướu cổ, tim, dạ dày, ruột thừa, phẫu thuật “bắt con”…; sau tai nạn gây rách da…

 

Đến nay có một số phương pháp để chữa sẹo lồi: chích thuốc (corticosteroids, Bleomycin, 5-fluorouracil (5-FU)…), dùng phương pháp dán ép (pressure therapy), phẫu thuật; đốt lạnh (cryosurgery), xạ trị (radiation), chiếu laser xung nhuộm màu tia (Pulsed-Dye Laser - PDL). Trong đó, chiếu laser xung nhuộm màu tia (PDL) với bước sóng 585-595nm là công nghệ mới nhất để hủy các vi mạch máu tăng sinh nuôi dưỡng và giảm dần kích thước cũng như độ dày của sẹo.

 

Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng, để đạt hiệu quả điều trị nhanh, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là sử dụng laser (PDL) kết hợp với nhiều phương pháp khác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

 

Laser (PDL) không làm sẹo lồi mất hẳn nhưng có thể nhanh chóng thu hẹp kích thước và độ dày của sẹo, làm cho sẹo mềm hơn, ít đau, ít ngứa hơn và đặc biệt là làm giảm nhanh màu đỏ của sẹo, đưa da nhanh chóng trở về màu sắc bình thường…

 

Ngoài ra, laser (PDL) cũng được ứng dụng để chữa vết rạn da, xóa đốm sẹo đỏ trên mặt do mụn để lại… Hiệu quả điều trị cũng tùy thuộc tình trạng sẹo, thời gian bị sẹo, tuổi tác… Kết quả thường đạt được sau một vài lần điều trị. điều trị sẹo mới đạt hiệu quả tốt và nhanh hơn so với điều trị sẹo cũ.

 

Theo TS.BS Trần Thị Anh Tú

Sài Gòn giải phóng