Điều trị Iod phóng xạ là gì?

Hải Minh

(Dân trí) - Đây là một phương pháp điều trị phổ biến trong ung thư tuyến giáp, sau khi bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Điều trị Iod phóng xạ là gì? - 1

Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 giai đoạn, từ giai đoạn một đến giai đoạn 4. Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của bạn.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp, trong đó, phẫu thuật rất phổ biến. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt một thùy và eo giáp trạng; Cắt toàn bộ tuyến giáp; Một số trường hợp đã di căn hạch cổ, bạn cần được lấy bỏ toàn bộ tổ chức hạch bạch huyết quanh tuyến giáp.

Phương pháp Iod phóng xạ, tức là bạn cần phải uống một lượng nhỏ iod phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp (kể cả lành tính và ác tính) sẽ bắt nguồn phóng xạ này và bị tiêu diệt.

Đây là phương pháp được chỉ định sau khi bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Điều trị hormon- Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, hoặc sau khi điều trị iod phóng xạ, bạn sẽ phải bổ sung hằng ngày lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.

Xạ trị từ bên ngoài- Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và xạ ngoài là nguồn xạ được đặt ngoài cơ thể. Vai trò của phương pháp này trong điều trị ung thư tuyến giáp còn hạn chế, chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

Hóa chất - Dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít có vai trò trong điều trị ung thư tuyến giáp.

Điều trị đích - Thường chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành và được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Chuyên gia cho biết, sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần tái khám theo lịch hẹn, thường khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, một năm/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không.