Điều trị cho thai phụ mắc ung thư vú: Cơ hội nào để bảo vệ hai mạng sống?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn tiến triển tại chỗ khi mang thai ở tuần 24, chị LTN (30 tuổi, TPHCM) có nguy cơ phải ngưng thai kỳ để điều trị. Không nỡ từ bỏ mầm sống trong bụng, chị N. đến bệnh viện FV với mong muốn tìm được phép màu cho mình.

Đây là thách thức cho đội ngũ bác sĩ FV để vừa kịp thời điều trị ung thư vú cho chị N. vừa đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong và sau thai kỳ.

Điều trị ung thư có ảnh hướng đến khả năng sinh nở?

Phát hiện ung thư trong thai kỳ: tiến thoái lưỡng nan

Tháng 10/2023, thời điểm bác sĩ Basma M'Barek - Trưởng Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, bệnh viện FV tiếp nhận bệnh nhân LTN, chị đã bước sang tuần thứ 25 của thai kỳ. "Đó là một tình huống tiến thoái lưỡng nan: thai quá lớn để dừng thai kỳ và quá sớm để thực hiện quy trình "sinh em bé rồi điều trị cho mẹ". Chúng tôi quyết định điều trị cho bệnh nhân song song với việc bảo vệ sự an toàn cho thai nhi. Điều này có nghĩa là khó khăn nhiều hơn vì các bác sĩ phải bảo vệ cùng lúc hai sinh mạng", bác sĩ Basma kể về trường hợp bệnh nhân N.

Để lên phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân, Bệnh viện FV tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa giữa các bác sĩ Sản khoa và bác sĩ Ung bướu. Do khối u quá lớn nên không thể thực hiện phẫu thuật, thay vào đó bệnh nhân được hóa trị liều lượng thấp, 3 tuần 1 lần để an toàn cho thai nhi nhưng vẫn đủ để giữ khối u không tiến triển, đợi khi thai phụ sinh con an toàn mới điều trị tích cực.

Theo y văn thế giới, có một số loại thuốc hóa trị cho bệnh ung thư vú mà không gây ảnh hưởng tới thai nhi, tuy nhiên việc tính liều cho thai phụ là một thách thức. Thông thường, liều hóa trị sẽ được tính dựa trên cân nặng và chiều cao của bệnh nhân, nhưng cân nặng của thai phụ sẽ bao gồm cả thai nhi và nước ối nên việc tính liều hóa trị là không hề dễ dàng. Thứ hai, trong thời gian hóa trị, bệnh nhân thường gặp phải tình trạng nôn ói, có thể không ăn được gì 3-4 ngày sau đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi.

Điều trị cho thai phụ mắc ung thư vú: Cơ hội nào để bảo vệ hai mạng sống? - 1

Việc tính toán liều hóa trị cho thai phụ được đội ngũ y bác sĩ FV thực hiện chính xác.

Từng điều trị ung thư cho nhiều thai phụ, BS. Basma hiểu rằng kê liều hóa trị chính xác trên từng cá nhân là vô cùng quan trọng, đồng thời hiểu rõ phân tử nào thâm nhập vào cơ thể người mẹ mà không làm ảnh hưởng tới thai nhi, những cách thức để giảm nguy cơ nôn ói cho thai phụ...

Nhờ kinh nghiệm lâm sàng cùng sự tính toán thật cẩn thận của cả ê-kíp, các đợt hóa trị cho bệnh nhân N. diễn ra suôn sẻ, chị không bị nôn ói nên vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho em bé phát triển bình thường. Người mẹ lúc này thực sự là một chiến binh dũng cảm, nỗi quan tâm lớn nhất của chị là sự an toàn cho con, do vậy chị tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. 

Điều trị cho thai phụ mắc ung thư vú: Cơ hội nào để bảo vệ hai mạng sống? - 2

Chị N. được hóa trị liều thấp để điều trị ung thư mà không ảnh hưởng tới thai nhi.

Phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị ung thư vú cho thai phụ: chìa khóa thành công

Phác đồ điều trị cho bệnh nhân cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa Sản và khoa Ung bướu. Ths.BS Võ Triệu Đạt - Trưởng khoa Sản Phụ khoa bệnh viện FV - người trực tiếp chăm sóc chị N. cho biết thai kỳ của chị được theo dõi rất sát sao, bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung bướu đều nắm rõ mọi thông tin về sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng. Thai phụ được bác sĩ sản khoa cho dùng một số thuốc dưỡng thai để bảo vệ thai kỳ và phòng ngừa nguy cơ sinh non. Thai phụ được khám và siêu âm liên tục để đảm bảo thai nhi vẫn phát triển bình thường.

"Để bệnh nhân sớm được hóa trị với liều đầy đủ, chúng tôi lên kế hoạch sẽ mổ lấy thai cho chị N. ở tuần thứ 36-37 - thời điểm thai nhi vừa đủ trưởng thành. Thông thường, bệnh nhân sinh non chủ động thì cần được kê 2 liều corticoid, giúp phổi thai nhi trưởng thành sớm, tuy nhiên do mẹ đã được dùng corticoid trong liệu trình điều trị ung thư nên không phải dùng thêm. Kết quả siêu âm hình thái học của thai nhi ở tuần thứ 32 cho thấy không có bất thường", bác sĩ Đạt cho biết thêm.

Điều trị cho thai phụ mắc ung thư vú: Cơ hội nào để bảo vệ hai mạng sống? - 3

Các bác sĩ sản khoa Bệnh viện FV mổ lấy thai cho bệnh nhân ở tuần thứ 36.

Với sự chăm sóc và theo dõi tích cực của các bác sĩ sản khoa, thai nhi phát triển ổn định trong suốt thai kỳ. Qua tuần thứ 36, các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai cho chị N. Bé gái chào đời nặng 2,65kg, khỏe mạnh, thậm chí không cần nằm lồng ấp. Các bác sĩ Nhi của Bệnh viện FV tư vấn cho gia đình cách chăm sóc trẻ sơ sinh để em bé phát triển tốt.

Người mẹ sau đó được tiến hành hóa trị tích cực. Kết thúc chu trình hóa trị kéo dài 6 tháng, khối u đã teo nhỏ lại, lúc này bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.

"Đây là một ca điều trị đầy cảm xúc với đội ngũ y bác sĩ FV! Sau điều trị, qua các lần theo dõi định kỳ, trên các phương tiện hình ảnh học và thăm khám đều chưa thấy dấu hiệu bệnh tái lại. Em bé hiện đã được hơn 1 tuổi, gia đình và các bác sĩ đều rất mừng về kết quả điều trị mỹ mãn này", bác sĩ Basma vui mừng cho biết.

Cần bảo tồn chức năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư trẻ

Theo bác sĩ Basma, ung thư vú trong thai kỳ không phổ biến, tuy vậy việc thay đổi cơ thể dưới tác động của hormone khiến việc nhận biết bệnh gặp nhiều khó khăn, do vậy thường phát hiện ra bệnh ở giai đoạn trễ. Ngoài ung thư vú, phụ nữ có thể mắc phải những loại ung thư khác trong thai kỳ, may mắn là việc điều trị ung thư không bắt buộc phải ngưng thai.

"Chúng ta vẫn có những lựa chọn khác để có kết quả vẹn cả đôi đường", bác sĩ Basma nhấn mạnh. "Tại FV, chúng tôi luôn chọn các phương pháp điều trị có lợi nhất cho bệnh nhân đồng thời bảo vệ sự an toàn cho thai nhi. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ung bướu và các bác sĩ sản khoa".

Cũng theo bác sĩ Basma, hiện nay người trẻ mắc bệnh ung thư không còn là chuyện hiếm. Khi điều trị ung thư cho người trẻ, các bác sĩ cần cân nhắc các phương án bảo tồn chức năng cho họ. Tại Bệnh viện FV, các bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị toàn diện, không chỉ tiêu diệt khối u mà còn chú trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân sau này.

Điều trị cho thai phụ mắc ung thư vú: Cơ hội nào để bảo vệ hai mạng sống? - 4

Bác bác sĩ FV họp hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phương án tối ưu cho bệnh nhân ung thư.

Một trong những tác dụng phụ của điều trị ung thư mà người trẻ cần lưu ý đó là có thể ảnh hưởng tới khả năng sản sinh trứng hoặc tinh trùng. Tại FV, trong phác đồ điều trị tối ưu luôn có cả phương án bảo vệ khả năng sinh con cho bệnh nhân, bao gồm trữ trứng cho nữ giới và trữ tinh trùng cho nam giới. Kế hoạch này đã giúp nhiều bệnh nhân có được hạnh phúc làm cha mẹ sau điều trị.

Liên quan tới việc chọn thời điểm sinh con sau khi điều trị ung thư, bác sĩ Basma cho biết: "Thông thường bệnh nhân có thể sinh con sau khi kết thúc điều trị ung thư 2 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp do yếu tố tuổi tác bệnh nhân không thể chờ thêm tới 2 năm thì có thể trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình để có giải pháp tối ưu".

Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng của bệnh viện FV được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và áp dụng các phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới cho bệnh nhân theo hướng cá nhân hóa. Với lợi thế trực thuộc bệnh viện đa khoa, trung tâm có thể huy động nguồn lực hỗ trợ từ các khoa liên quan trong bệnh viện, thông tin của bệnh nhân được tập trung hóa, đây là một lợi thế giúp việc điều trị ung thư chuẩn xác và hiệu quả cao.

Để biết thêm về quy trình điều trị ung thư tại Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ số (028) 54 11 33 33.