Điều trị bệnh u xơ tử cung không cần phẫu thuật
(Dân trí) - U xơ tử cung là u lành tính với khoảng 30% phụ nữ ở độ tuổi 30 - 50 mắc bệnh. Trong số đó, khoảng 2/3 không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi siêu âm.
Với các trường hợp cần điều trị, ngoài các phương pháp điều trị kinh điển đã được biết đến như nội khoa (nhiều bệnh nhân có đáp ứng với phương pháp này, nhưng thường tái phát triệu chứng sau khi dừng thuốc); phẫu thuật cắt nhân xơ (cắt bỏ chọn lọc u xơ tử cung, bảo tồn tử cung); cắt tử cung (cắt bỏ tử cung hoàn toàn hoặc bán phần) thì tắc mạch u xơ tử cung là phương pháp không phẫu thuật, được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới từ năm 1995 và ở Việt Nam từ năm 2000, đáp ứng nguyện vọng của rất nhiều bệnh nhân.
Bản chất của phương pháp điều trị này là triệt tiêu nguồn máu nuôi UXTC bằng cách đưa một ống thông nhỏ và mềm qua động mạch đùi để đi đến động mạch tử cung 2 bên. Qua đó, chất gây tắc là các hạt PVA - PolyVinyl Alcohol - được bơm vào và làm tắc 2 động mạch tử cung. Khối UXTC sẽ bị hoại tử vô trùng và teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ trên thành tử cung.
1/3 bệnh nhân mắc u xơ tử cung có các triệu chứng:
- Rối loạn kinh nguyệt. - Đau bụng kinh, ra máu cục. - Đau tức hố chậu, đái rắt, táo bón. - Tự sờ thấy u ở hố chậu. - Dễ xảy thai... |
Sau khi 2 động mạch tử cung được làm tắc hoàn toàn bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tăng dần vùng bụng dưới. Mức độ đau không giống nhau. Đau nhiều nhất trong vòng 12 giờ đầu sau thủ thuật, sau đó giảm dần và chỉ còn cảm giác tức nặng âm ỉ kéo dài 5 - 10 ngày. Hiện nay, phối hợp gây tê ngoài màng cứng duy trì liên tục 48 - 72 giờ sau điều trị có khả năng triệt tiêu gần như hoàn toàn cảm giác đau (đau là vấn đề mà tất cả bệnh nhân đều lo lắng và sợ hãi). Ngoài ra có thể sốt nhẹ, nôn, mệt mỏi 2-3 ngày. Bệnh nhân thường được ra viện sau 1-2 ngày, trở lại làm việc sau 5-7 ngày. Trong 1-3 tuần đầu sau tắc mạch thường ra dịch âm đạo màu hồng nhạt.
Bệnh nhân hết hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn triệu chứng trong 1 - 2 tháng đầu tiên sau điều trị. Khối u xơ teo nhỏ dần sau 3 - 6 tháng. Các trường hợp có nhiều nhân xơ cũng có đáp ứng tốt với kỹ thuật này. Nhân xơ tái phát rất hiếm gặp, khoảng 1%. Trường hợp cần có thai sau điều trị sẽ được khám và kiểm tra siêu âm màu chặt chẽ và tỷ mỷ hơn. Chỉ nên có thai sau 9 -12 tháng kể từ ngày điều trị. Khả năng thụ thai và sinh đẻ sau điều trị tắc mạch u xơ tử cung phụ thuộc từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị này được áp dụng cho các trường hợp UXTC có nhiều mạch máu (tăng sinh mạch, được xác định bằng siêu âm màu hoặc cộng hưởng từ). Hầu hết u xơ tử cung có tăng sinh mạch, nên có thể điều trị bằng phương pháp tắc mạch cho khoảng 80% số bệnh nhân u xơ tử cung đã có chỉ định phẫu thuật.
Về các tai biến biến chứng có thể gặp: nhiễm trùng nội mạc tử cung có thể gặp <1% số bệnh nhân, có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh liều cao, nếu không có kết quả phải mổ cắt tử cung cấp cứu. Khoảng 2-3% bị vô kinh sau thủ thuật do suy buồng trứng.
Mặc dù được áp dụng tại Việt Nam gần 10 năm nhưng rất ít bệnh nhân có thông tin về phương pháp điều trị này, vì “Tắc mạch u xơ tử cung” được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên ngành Xquang can thiệp, chứ không phải bác sỹ phụ sản. Đây là vấn đề chung của mọi nước, không chỉ riêng Việt Nam.
Ở miền Bắc, bệnh viện TƯQĐ 108 là cơ sở đầu tiên thực hiện phương pháp này (từ năm 2002), sau đó là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
TS. Lê Văn Trường
CNK Can thiệp Tim mạch, Bệnh Viện TƯQĐ 108