Điều cần biết khi cho trẻ ăn sữa chua để không phản tác dụng
(Dân trí) - Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, để tốt cho sức khỏe bạn cần lưu ý một số điều sau khi ăn.
Theo BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa chua thực chất là sữa bò tươi hoặc sữa được pha theo công thức sữa tươi cho lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (lactobacillus bulgaricus và streptococus thermophilus).
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là lysin), glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A. Cái quý của sữa chua là ngoài giá trị dinh dưỡng còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh về đường ruột.
Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (lactobacillus acidophilus và bifidobacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Thành phần của sữa chua cũng giống như sữa bình thường nhưng sữa chua có ưu điểm là chất đạm trong sữa chua dễ tiêu hóa hơn và chất đường lactose trong sữa chua chuyển thành acid lactic nên ít bị rối loạn tiêu hóa do thiếu men lactase. Một số trường hợp bị thiếu men chuyển hóa đường trong sữa (lactase) nên khi uống sữa hay bị tiêu chảy, đầy bụng thì có thể ăn sữa chua thay thế.
Khi nào có thể cho trẻ ăn sữa chua?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, trẻ từ 6 tháng trở lên có thể ăn được sữa chua bán trên thị trường. Còn trẻ < 6 tháng muốn ăn sữa chua thì phải làm từ sữa bột công thức dành cho trẻ dưới 6 tháng.
Nguyên tắc khi cho bé mới bắt đầu ăn thức ăn mới là cho ăn từ ít đến nhiều. Lượng sữa chua cho bé ăn theo tuổi như sau:
- Từ 6 đến 12 tháng tuổi: 50-100g/ ngày (tương đương 1/2 hộp đến 1 hộp).
- Từ 1 đến 2 tuổi: 100-200g/ngày (tương đương 1 đến 2 hộp).
- Trên 2 tuổi: 200g/ngày (tương đương 2 hộp).
Một số lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua
- Không cho trẻ ăn sữa chua lúc đói
Vì khi đó độ pH trong dạ dày thấp (chỉ khoảng bằng 2) sẽ làm hại đến những vi khuẩn có lợi trong sữa chua. Tác dụng tăng cường sức khỏe của sữa chua vì thế bị giảm đi.
- Chỉ nên cho trẻ ăn sữa chua sau bữa ăn khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng
Lúc này dạ dày co bóp mạnh nhào trộn thức ăn, độ pH có thể tăng lên 4 - 5, đây là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động.
Tuy nhiên, do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ nên cần cho bé súc miệng ngay sau khi ăn.
- Không nên đun nóng sữa chua khi dùng, hoặc cho thêm nước nóng vào sữa chua
Cách làm này sẽ khiến cho vi khuẩn có lợi trong sữa chua mất khả năng hoạt động nên sữa chua sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hóa.
Tuy nhiên, sữa chua để trong tủ lạnh, khi lấy ra cho trẻ ăn ngay trẻ dễ bị viêm họng. Vì thế, bạn có thể ngâm nguyên hộp sữa chua vào nước ấm khoảng 45 độ C, khi sờ vào vỏ hộp thấy ấm nóng là có thể sử dụng được cho bé.
- Không dùng chung sữa chua với các loại thuốc khác
Các thuốc kháng sinh hay các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.
Bạn hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về, tốt nhất sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần sau khi mua. Bạn cũng có thể kết hợp trái cây hoặc các loại hạt với sữa chua để bữa ăn nhẹ của bé trở nên phong phú hơn.