Điều bệnh nhân gút cần biết để không phải "cầu cứu" vì ăn Tết

Hà An

(Dân trí) - Việc ăn uống tùy tiện khiến bệnh gút tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường. Vì thế, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần duy trì thực đơn hợp lý trong ngày Tết.

Bệnh gút là một loại viêm khớp, khởi phát thường đột ngột, dẫn đến sưng, đau và viêm các khớp. Gần một nửa số trường hợp bệnh gút thường bắt đầu từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.

Các triệu chứng của bệnh xảy ra khi có quá nhiều acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.

Theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các cơn gút thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3-10 ngày. Có tình trạng này là do 3 nguyên nhân hay gặp sau: tăng sản xuất acid uric nội sinh, giảm đào thải acid uric ở thận, ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản.

Điều bệnh nhân gút cần biết để không phải cầu cứu vì ăn Tết - 1

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai ai cũng trở về bên gia đình, trở về quê hương sau một năm lao động vất vả. Vì vậy, mọi người thường quây quần bên mâm cơm với những người thân, chia sẻ những câu chuyện vui buồn một năm qua. Khi đó, nếu không để ý những bữa tiệc liên miên có thể làm chế độ ăn trở nên mất cân đối, lượng chất đạm, chất béo, bột đường, bia rượu quá nhiều trong khi rau, quả xanh lại ít. Và đó là nguyên nhân bùng phát các đợt cấp của các bệnh mạn tính không lây, trong đó có bệnh khớp. 

Sau một bữa tiệc rượu, bia và nhiều loại thịt các loại, các loại nước xương hầm có thể làm khởi phát một đợt cấp, khiến các khớp gối của người bệnh gút mạn đau, sưng tấy, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày Tết.

Vì thế, để phòng ngừa đợt cấp tiến triển này, người bệnh gút nên hạn chế dùng nhiều bia, rượu, ăn một lượng vừa phải chất đạm có nguồn gốc động vật, thủy hải sản. Đặc biệt các loại nước dùng chế biến từ xương, thịt hầm, chỉ nên ăn vừa phải vì nhân purin trong thực phẩm sẽ hòa tan vào nước, làm tăng lượng purin trong chế độ ăn. 

Khi bị gút, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như các loại cam, quýt, bưởi, và các quả chín khác và nhớ uống nhiều nước.

Và cuối cùng, bạn nên duy trì vận động, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Điều bệnh nhân gút cần biết để không phải cầu cứu vì ăn Tết - 2

Ảnh: H.T.

Thực phẩm nên tránh khi bị bệnh gút

Thức ăn và đồ uống có nhiều purin sẽ tăng nguy cơ bị cơn gút cấp, do đó người bệnh nên:

- Tránh xa những loại thực phẩm: thịt đỏ, thịt cừu và thịt lợn; nội tạng, phủ tạng như gan, thận, óc, lòng…; hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ như tôm, trai, cá cơm và cá mòi. 

- Tránh các loại rau xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu. 

- Tránh các sản phẩm có hàm lượng fructose cao như soda và một số loại nước trái cây, kem, kẹo và đồ ăn nhanh.

- Tránh uống rượu vì rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric.

- Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, corticoid.

- Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ acid uric.

Thay vào đó, người bệnh nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa tách béo; trái cây tươi và rau quả, nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa... vì chúng làm giảm tình trạng viêm hiệu quả, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn… 

Với thịt, nên chọn các loại thịt như cá, thịt gà và thịt đỏ là tốt với lượng vừa phải (khoảng 100 - 120g mỗi ngày, tùy từng tình trạng của người bệnh), ăn trứng vừa phải. 

Về rau xanh nên ăn súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gút bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm, từ đó giảm sự hình thành acid uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.

Đồng thời, nên uống nhiều nước mỗi ngày, nên uống 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi… Bổ sung vitamin C khoảng 500-1000mg mỗi ngày cũng có thể giúp giảm acid uric.