Điểm mặt các “sát thủ” ung thư thường gặp tại Việt Nam
(Dân trí) - Không lây lan, không truyền nhiễm nhưng ung thư là sát thủ mạnh tay nhất trong các loại bệnh cướp đi sinh mạng của con người. Tại Việt Nam phổi, gan là những vị trí thường bị ung thư ở nam, nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng gặp nhiều ở cả 2 giới.
Nặng gánh ung thư
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, năm 2018 nhân loại có 18,1 triệu ca ung thư mới và 9,6 triệu ca tử vong do ung thư. Một trong 5 nam và một trong 6 nữ trên toàn thế giới có thể bị ung thư trong suốt cuộc đời của họ và một trong 8 nam; một trong 11 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này. Tổng số người còn sống trong vòng 5 năm được chẩn đoán ung thư, ước tính khoảng 43,8 triệu người.
Cũng theo GLOBOCAN thống kê năm 2018, Việt Nam với dân số gần 96,5 triệu người, trong thì có hơn 164.6 nghìn ca ung thư mới mắc, trong đó có 114.871 người tử vong do ung thư và 300.033 người đang sống chung với ung thư.
Theo PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM thì trong 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam, ở nam giới là ung thư gan chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là các ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng. Ở nữ giới ung thư vú chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là các ung thư đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan. Sát thủ mang tên ung thư đang tấn công mọi giới, mọi lứa tuổi.
Gánh nặng ung thư ngày càng tăng do một số yếu tố, gồm sự tăng trưởng dân số, sự lão hóa, cũng như sự thay đổi về tỷ lệ của một số nguyên nhân gây ung thư liên quan đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Đây là đặt trưng của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nơi có sự chuyển đổi tỷ lệ của các bệnh ung thư liên quan đến sự nghèo đói và nhiễm trùng sang các bệnh ung thư liên quan đến lối sống dư thừa vật chất.
40% ung thư có thể phòng ngừa
Mọi loại ung thư đều liên quan đến các tế bào của cơ thể bởi sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn các tế bào không bình thường. Tế bào ung thư phát sinh từ sự hư hại của phân tử DNA do phơi trải với những tác nhân từ môi trường sống như khói thuốc lá, rượu bia, các vi rút, ánh nắng… Những tác nhân gây ung thư tạo ra các đột biến gen dẫn đến nhóm tế bào bất thường. Theo thời gian, các dòng đột biến lại thành các dòng ác hơn, tổng hợp nhiều đột biến làm ung thư mạnh lên và trở thành bất tử, xâm lấn tràn lan trong cơ thể.
Ung thư giết người bằng cách làm tê liệt khiến cơ quan của cơ thể không hoạt động được từ đó gây áp lực mạnh trong sọ và não. Ung thư làm nghẽn đường thở hoặc nghẽn mạch máu lớn, làm rối loạn đông máu, khiến cơ thể mất phản ứng đề kháng không chống lại bệnh tật được. Đa số người bệnh ung thư chết vì đau đớn, vì suy kiệt, vì cơ thể bị ung thư trở nên bất lực trước các bệnh tật khác.
Tuy nhiên, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) cho rằng, ung thư là do con người, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 15 loại ung thư; 20% các ca ung thư liên quan đến bệnh nhiễm; ăn uống không lành gây ra 1/3 gánh nặng ung thư; đáng sợ hơn nữa là các yếu tố nguy cơ ung thư do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của con người bắt tay nhau để hủy hoại cơ thể.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, 40% ung thư ở mọi giới, mọi lứa tuổi có thể phòng ngừa nếu mọi người theo lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, tránh uống rượu bia quá đà, phòng tránh bệnh truyền nhiễm, tập thể dục đều, hạn chế sử dụng thức ăn muối mặn, hun khói và chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít rau… cần giữ cân nặng của cơ thể ở mức độ vừa phải, ổn định.
Việc chủng ngừa bệnh có hiệu quả nhất và lâu dài nhất trong cuộc chiến phòng chống ung thư. Việc sử dụng vắc xin chống HBV và HPV, quan hệ tình dục an toàn, bảo quản thức ăn đúng, bỏ thói quen ăn cá sống, sử dụng các sản phẩm máu an toàn. Tích cực phòng ngừa các bệnh nhiễm trước khi chúng gây ung thư là việc cả cộng đồng nên chủ động thực hiện.
Vân Sơn