Điếc vĩnh viễn vì ăn lợn bệnh
Sau khi ra quán nhậu lai rai vài chai bia và dùng một đĩa dồi trường, vài ngày sau, anh Thanh N. bị sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn ói liên tục, gáy đau cứng. Nhập viện cấp cứu và điều trị gần một tháng, thoát chết nhưng anh N. bị điếc hoàn toàn.
Bệnh nhân bị hoại tử đầu ngón chân
TS. BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, quyền trưởng Bộ môn Nhiễm, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh nhiễm trùng do vi trùng Streptococcus suis lây lan từ động vật sang người. Chúng là tác nhân gây viêm màng não mủ với tần suất mắc bệnh ở người trưởng thành là 0,57/100.000 người/năm.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có triệu chứng sốt cao trên 39oC, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết ban hoại tử trên da. Trường hợp nặng, người bệnh bị viêm màng não, sốc nhiễm độc, trụy mạch, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong. Những bệnh nhân hồi phục sau viêm màng não mủ sẽ bị biến chứng mất chức năng nghe.
Bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa nhiễm Việt - Anh, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM
Chị Đỗ Thị Thu Thủy (Q.4, TP.HCM) đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, cách đây hai tuần, chị mua lòng lợn sống và huyết về làm món nhậu cho chồng. Dù không ăn món này nhưng chị bị nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu. Được bác sĩ giải thích chị mới biết là do lúc làm lòng sống, chị không mang bao tay nên bị lây nhiễm qua vết thương.
TS. BS Trung Nghĩa cho biết thêm, nếu công việc có liên quan đến lợn, thịt lợn khi da bị trầy xước, hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín, nhất là tiết canh, nội tạng chín tái, nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt, những người cắt lách, không nên làm công việc có liên quan đến lợn và thịt lợn vì nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao. Ở các tỉnh thành phía Nam, bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn xảy ra quanh năm, không theo mùa như phía Bắc.
Vi khuẩn liên cầu lợn thường trú ở đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và cả vùng hầu họng của lợn. Tỷ lệ mang trùng có thể đạt đến 100% các cá thể của đàn lợn nhưng tần suất bệnh thay đổi theo thời gian hiếm khi vượt quá 5% và thường xảy ra ở lợn từ 4 đến 12 tuần tuổi.
TS-BS Hồ Đặng Trung Nghĩa |
Theo Phụ nữ online