Điếc do… suy thoái kinh tế

Không chỉ có bệnh lý mà ngay cả nền kinh tế suy thoái cũng là những nguyên nhân khiến nhiều người đột ngột bị điếc.

Bác sĩ đang đo thính lực cho bệnh nhân
Bác sĩ đang đo thính lực cho bệnh nhân
  

Điếc đột ngột do… đầu tư thua lỗ

 

Sau khi đo thính lực cho bệnh nhân (BN), BS Đỗ Hồng Giang, Phó khoa Thính học, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM, chẩn đoán, chị Ng.T.Ng. (43 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã bị điếc cả hai bên, nhiều khả năng nguyên nhân là do tắc mạch máu bên trong tai. Theo lời chị Ng., chị làm kinh doanh, có dư chút ít nên “chơi” cổ phiếu và khi cổ phiếu rớt giá chị bán cắt lỗ để đầu tư sang vàng và bất động sản. Thế nhưng, đầu tư vào bất động sản, vàng đã khiến chị thua lỗ nặng. Sau đó, chị cảm thấy ù tai, dần dần nghe không rõ. Cách đây vài ngày, khi ngủ dậy, chị đã không còn nghe được nữa.

 

Theo BS Trần Việt Hồng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, BN bị điếc thường là do vi-rút quai bị, vi-rút cảm cúm, bệnh sởi, do bệnh lý mạch máu, nhiễm độc máu do thuốc, dị ứng… khiến mạch máu của động mạch tai trong bị co thắt. Một số BN bị chứng co thắt mạch máu còn do chấn thương tâm lý như: sợ sệt, quá căng thẳng trong cuộc sống…

 

Vài năm gần đây, mỗi năm BV Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị cho hơn 1.000 ca điếc đột ngột, trong khi trước đây chỉ khoảng 300 - 400 ca. BS Đỗ Hồng Giang phân tích: Số BN bị điếc đột ngột tăng mạnh trong những năm gần đây chủ yếu là đang trong độ tuổi lao động, cuộc sống thường xuyên phải căng thẳng lo nghĩ. Khi cơ thể căng thẳng kéo dài sẽ khiến mạch máu nuôi thần kinh thính giác bị co thắt, gây ù tai; nếu không điều trị kịp sẽ khiến thiếu máu nuôi đến ốc tai, gây điếc nặng, thậm chí điếc vĩnh viễn.

 

Bên cạnh bệnh điếc đột ngột vì stress, mỗi năm BV Tai Mũi Họng và BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cũng tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh bỗng dưng “không nghe - không hiểu” do bệnh xốp xơ tai. Bệnh này liên quan đến các yếu tố nội tiết như: rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh, mang thai…

  

Khám ngay sau khi ù tai

 

“Triệu chứng của bệnh điếc đột ngột rất mơ hồ như: ù tai, nghe kém, có thể kèm với chóng mặt, hoa mắt, dễ nhầm với bệnh ù tai thông thường, viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Thế nhưng, chỉ có 30-40% BN đến điều trị sớm trong bảy ngày đầu mắc bệnh”, BS Đỗ Hồng Giang cảnh báo.

 

Nếu BN nhập viện sớm thì khoảng 70-80% trường hợp sẽ khỏi bệnh vì lúc này, ốc tai chỉ bị viêm nhẹ và mạch máu bị ngừng hoạt động tạm thời, việc can thiệp điều trị có hiệu quả cao. Trong khi đó, nếu người bệnh nhập viện trễ sau một tuần thì khả năng hồi phục thính giác bằng thuốc chỉ đạt 20-30%; còn sau một tháng thì các tế bào thần kinh ốc tai bị tổn thương nhiều nên dễ dẫn đến điếc nặng hoặc điếc vĩnh viễn. Khi đã bị điếc vĩnh viễn, BN buộc phải phục hồi chức năng như đeo máy trợ thính hoặc phẫu thuật cấy điện tử ốc tai với giá vài trăm triệu đồng.

 

Theo BS Trần Việt Hồng, với những trường hợp điếc nhẹ được bác sĩ cho thuốc về nhà uống, không phải nhập viện. Tuy nhiên, người bệnh phải nghỉ ngơi tại nhà, tránh đi lại hay cử động mạnh. Người bệnh cần nằm trên giường với đầu cao 30 độ, tránh rượu, thuốc lá, cà phê hay những thức ăn gây dị ứng và sau bốn-năm ngày phải vào BV theo dõi thính lực cho tới khi đạt ngưỡng 20-25dB thì có thể ngừng điều trị.

 

BS Đỗ Hồng Giang cho biết, với những BN lớn tuổi, mắc thêm các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận… thì khả năng xảy ra bệnh điếc đột ngột nhiều hơn và khó điều trị hơn.

 

BS Trương Minh Ký, BV Nguyễn Tri Phương tư vấn: Bệnh xốp xơ tai xảy ra chủ yếu ở phụ nữ, nhất là độ tuổi từ 20-45. Bệnh xốp xơ tai mang yếu tố di truyền, người bệnh thường bất mãn, không thích chung vui với người khác vì nghĩ không ai hiểu tâm trạng của họ. Cách phát hiện sớm bệnh là nghe tiếng ù tai ở một bên và diễn ra ngắt quãng. Dần dần, người bệnh bị ù tai liên tục và BN rất khó chịu, dù ở nơi yên tĩnh hay ồn ào, lúc nào trong tai cũng có tiếng kêu không dứt. Điều nguy hiểm là, khi gặp phải những triệu chứng này, nhiều BN lại tưởng mình mắc bệnh tâm thần.

 

“Bệnh nhân bị điếc do xốp xơ tai ở dạng nhẹ chỉ cần uống thuốc là hồi phục. Nhưng với trường hợp điếc nặng phải vi phẫu lấy bỏ xương bàn đạp (nằm ở tai giữa) và thay thế bằng những loại xương nhân tạo. Sau khi mổ, người bệnh tránh tiếp xúc tiếng ồn khoảng một tháng để sức nghe không bị ảnh hưởng”, BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng cho biết.

 

Theo Văn Thanh

Phụ nữ online