1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch "tai xanh" trên lợn cực nguy hiểm!

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát khuyến cáo: Tuýp vi rút gây dịch "tai xanh" bước đầu được xác định là loại mới, chủng động lực cao. Vì vậy, có thể đánh giá dịch tai xanh đang xảy ra ở nước ta rất nguy hiểm.

Tuýp vi rút gây dịch "tai xanh" bước đầu được xác khác với tuýp vi rút chủng động lực thấp Bắc Mỹ hoặc Châu Âu.

Trước tình hình này, chiều 22/4, Bộ trưởng NN&PTNT đã có Công điện khẩn Yêu cầu tạm dừng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua vùng có dịch "tai xanh" ở lợn và Quy định điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống trong thời gian có dịch "tai xanh" ở lợn.

Trong công điện khẩn này, Bộ trưởng yêu cầu, tạm dừng việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn chưa qua xử lý, chưa chế biến chín đi qua các tỉnh đang có dịch "tai xanh", bao gồm các tỉnh đã công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), kể từ ngày 25/4/2008 cho đến khi các tỉnh này công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp bắt buộc phải vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua vùng có dịch phải được phép của UBND tỉnh và chỉ được đi theo tuyến đường do BCĐ phòng, chống dịch bệnh của tỉnh quy định và không được dừng phương tiện. Sau khi đi qua vùng dịch, phương tiện phải được khử trùng tiêu độc ngay.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, kể từ ngày 26/4/2008, lợn sống được xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Lợn xuất khẩu phải có xuất xứ từ những tỉnh thành không có dịch "tai xanh" và có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y tại gốc xuất đi. Lộ trình vận chuyển của lô hàng đến biên giới không đi qua các tỉnh, thành có dịch "tai xanh".

Cũng trong chiều nay, tại cuộc họp giao ban thường kỳ của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: hiện nay, việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn chưa qua xử lý, chế biến, đi qua vùng có dịch "tai xanh" ở lợn là nguyên nhân chủ yếu làm lây lan dịch giữa các địa phương. Các tỉnh Nam Bộ có nguy cơ lây lan dịch rất lớn, vì trung bình mỗi tháng có gần 2 triệu lợn sống từ miền Bắc chuyển vào Nam. Đường vận chuyển lại đi qua 3 tỉnh trọng điểm dịch "tai xanh" là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đáng lưu ý nhất là hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng do tiêu hủy số lượng lớn lợn mắc bệnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo về sự ô nhiễm nguồn nước ở những địa phương đang xảy ra dịch bệnh.

Nguyên nhân do nhiều điểm chôn lấp lợn bệnh ở các tỉnh này không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong tiêu hủy, chôn lấp nên đã dẫn tới việc rỉ nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y, đến 22/4, số lợn mắc bệnh được thống kê 657 xã phường của 10 tỉnh thành, gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định và Ninh Bình. Tổng số lợn bệnh phải tiêu hủy đạt kỷ lục từ trước đến nay với 221.000 con.

P. Thanh