1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch tai xanh bùng phát, chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không xẻ thịt, ăn thịt lợn bệnh

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), người dân tuyệt đối không nên xẻ thịt, ăn thịt lợn bệnh vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Khi ăn các sản phẩm từ lợn tuyệt đối không ăn sống (tiết canh), ăn tái (nem chạo) mà hãy nấu chín. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn liên cầu, sán...

Đừng vội bán khi lợn ốm

Hiện tại nhiều địa phương, dịch lợn tai xanh đang bùng phát. Khi con lợn nhiễm vi-rút lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm, nhiều con lợn đã mang sẵn trong mình vi khuẩn liên cầu và lúc này sẽ phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn.

Dịch tai xanh bùng phát, chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không xẻ thịt, ăn thịt lợn bệnh - Ảnh 1.

Trong khi đó, người nông dân cứ thấy con lợn có biểu hiện ốm là vội vàng bán thịt. Vì thế, rất khó nhận biết thịt con lợn bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết do khuẩn liên cầu, do trên da lợn cũng chưa có biểu hiện xuất huyết.

Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

Bình thường, vi khuẩn liên cầu có thể khu trú tại vùng họng của lợn mà không biểu hiện bệnh. Nhưng khi con lợn ốm, miễn dịch suy giảm, vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa, mà nó tấn công sang các các cơ quan phủ tạng khác, đó là nguyên nhân khiến ăn phải thịt những con lợn đã biểu hiện bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những con mang vi khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh.

Một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành năm 2010 cho thấy, trong tổng số 55 ca mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị ở miền Bắc cho thấy, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).

“Trong khi đó, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Một bát tiết canh tính phí lúc này tới hàng vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chưa kể, nó còn đe dọa tính mạng người bệnh, khiến gia đình người bệnh phải tốn kém, vất vả chăm sóc”, BS Cấp nói.

Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.

Cần thực hiện ăn chín, uống sôi

Theo BS Cấp, thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ không chỉ có nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu lợn mà còn nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như sán lợn, giun xoắn.

Trong khi đó, nếu nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C vi khuẩn liên cầu, giun xoắn lợn sẽ bị tiêu diệt. Còn với đồ ăn tái, sống (tiết canh, nem chạo), nếu thịt lợn có vi khuẩn liên cầu cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống vào cơ thể người ăn, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).

Tuy nhiên, rất may có thể diệt khuẩn này bằng các chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, cloramin, nước javen, nước vôi, ở nhiệt độ trên 60 độ C và dưới ánh sáng mặt trời. Do đó, chỉ cần thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; không ăn, không giết mổ thịt lợn bệnh; có phương tiện phòng hộ khi giết mổ lợn… sẽ phòng được bệnh.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, khi phát hiện nguy cơ thịt lợn ốm, bệnh, chết thì tốt nhất là không nên ăn. Tuyệt đối không xẻ thịt lợn bệnh mà cần tiêu hủy theo đúng quy định.

Hiện nhiều người dân khi nghe đến dịch bệnh lợn tai xanh, bệnh liên cầu khuẩn lợn thì không dám ăn thịt lợn. Thực tế, khi thịt được nấu chín thì vi khuẩn hoàn toàn bị tiêu diệt. Điều cần lưu ý là phải thận trọng khi chế biến thịt lợn: Nên sử dụng găng tay ni-lon khi rửa, thái thịt và lựa chọn mua thịt có nguồn gốc xuất xứ.

Dịch tai xanh bùng phát, chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không xẻ thịt, ăn thịt lợn bệnh - Ảnh 2.

Thịt lợn khỏe miếng thịt tươi hồng, có độ đàn hồi, dính.

Theo đó, người dân nên mua thực phẩm rõ nguồn gốc ở những điểm sản xuất, kinh doanh đã được cơ quan nhà nước cấp phép, kiểm soát. Khi chọn mua nên ưu tiên sản phẩm có bao gói, nhãn mác, các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y (thịt gia súc treo hoặc bảo quản trong các tủ mát, thịt gia cầm trong tủ bảo ôn,…), có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định.

Để chọn được thịt lợn sạch, người tiêu dùng lưu ý khối thịt sạch thường rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước. Tuyệt đối không mua thịt heo có màu sắc, mùi lạ, sờ vào thịt không còn độ dính, thịt nhũn, chảy dịch, có mùi...

Hồng Hải