1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch tả lợn Châu Phi tấn công thành phố 13 triệu dân

(Dân trí) - Mặc dù TPHCM đã nỗ lực triển khai cá biện pháp phòng chống nhưn dịch tả lợn Châu Phi đã xuyên thủng các phòng tuyến tấn công đàn lợn tại quận 9. Ít nhất 163 con lợn tại hộ chăn nuôi gia đình đã phải tiêu hủy, dịch bênh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới.

Từ khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại Việt Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã rốt ráo chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, nỗ lực của con người cùng các vật tư, trang thiết bị đã không thể khống chế được dịch tả lợn Châu Phi khi có tới 54 tỉnh thành trên cả nước đã bị dịch tấn công.

Ngày 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã phải chính thức công bố về ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tấn công vào Sài Gòn. Theo đó, ổ dịch xảy ra tại một hộ chăn nuôi trên địa bàn quận 9, TPHCM. Đây là hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa tại các quán ăn, nhà hàng phục vụ mục đích chăn nuôi.

Dịch tả lợn Châu Phi tấn công thành phố 13 triệu dân - 1

Đàn lợn nuôi của một hộ gia đình tại quận 9 đã được xác đinh dương tính với dịch tả lợn Châu Phi (ảnh: Sở Nông Nghiệp)

Khi phát hiện các biểu hiện điển hình của đàn lợn nuôi, chủ hộ đã chủ động liên hệ với Chi cục Thú Y, TPHCM. Các kết quả xét nghiệm sau đó xác định đàn lợn nuôi của hộ gia đình tại quận 9 dương tính với dịch tả. Ngay lập tức các phương án phòng chống dịch được tiến hành, toàn bộ đàn lợn nuôi 163 con tại  cơ sở chăn nuôi phát hiện dịch đã buộc phải tiêu hủy.

Theo các quy định đã được UBND thành phố ban hành, trường hợp xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố các cơ quan chức năng vào người chăn nuôi không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh; trường hợp 1 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có chuồng riêng biệt hộ chăn nuôi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn heo xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong trang trại; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Dịch tả lợn Châu Phi tấn công thành phố 13 triệu dân - 2

Theo quy định, tất cả số lợn trong đàn dương tính với dịch sẽ buộc phải tiêu hủy (ảnh: Sở Nông Nghiệp)

Thành phố sẽ hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ổ dịch là trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn đơn vị cấp xã nơi phát hiện có mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi sẽ thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 đến 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút gây dịch.

Với những vùng bị dịch uy hiếp, trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 đến 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

Với những vùng đệm trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thành phố yêu cầu thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

Vân Sơn