1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch sởi gia tăng tại TPHCM

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có 15/25 trẻ đang theo dõi được xác định dương tính với bệnh sởi. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 3 trường hợp bệnh phải nhập viện điều trị đều dưới 9 tháng tuổi. Dịch sởi đang có dấu hiệu tăng đột biến tại TPHCM.

Theo thông tin tổng hợp từ Sở Y tế TPHCM, chỉ trong tháng 8, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) phát hiện và theo dõi 25 bệnh nhi có dấu hiệu nghi mắc bệnh sởi, kết quả xét nghiệm cho biết 15 trẻ đã dương tính với virus sởi. Trong đó chỉ có 1 ca ở TPHCM, còn lại ở rải rác các tỉnh miền Nam, chủ yếu là ở miền Đông Nam Bộ. Hầu hết các bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.

Còn tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM), theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) hiện BV đang theo dõi và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh sởi, cả 3 bé đều dưới dưới 9 tháng tuổi. “Một bé đang có dấu hiệu chuyển biến nặng, phải thở máy và theo dõi liên tục.”, BS Khanh thông tin.

Dịch sởi gia tăng tại TPHCM - 1

Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, tiêu chảy kèm sốt liên tục 38-39 độ C. Bên cạnh đó,có những chấm nhỏ khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, có thể là những dấu hiệu của bệnh sởi

Cũng theo BS Khanh, hai bệnh nhi còn lại đang được theo dõi tích cực vì đều bị sưng phổi, viêm phổi nặng. Đáng lưu ý, theo BS Khanh, đối với 2 ca này, một bé lây nhiễm từ ba, một bé lây từ mẹ của mình. Không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con.

Qua việc phát hiện các ca bệnh sởi tại các BV, Sở Y tế đã đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phải chú ý từng ca bệnh đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị. Đối với dịch bệnh sởi đang lưu hành, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý trong công tác phòng chống .

Theo đó, lãnh đạo Sở yêu cầu các đơn vị triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh; Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi, báo cáo theo quy định và báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hay là có số mắc bệnh đông…

Các chuyên gia cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Theo Yến Nhi

Tiền phong