Dịch Covid-19: Giảm ca nặng, tử vong vẫn cao

Hà An

(Dân trí) - So với thời kỳ đỉnh dịch, số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3), ca tử vong giảm nhưng vẫn ở mức cao với trên 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vaccine.

Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021 là năm đánh dấu các làn sóng dịch bùng phát với quy mô và cường độ dữ dội hơn năm 2020 trên toàn cầu.

Kể từ cuối tháng 3/2021, thế giới ghi nhận làn sóng bùng phát dịch mạnh mẽ tại nhiều nước với biến thể Delta. Từ tháng 11/2021, biến thể Omicron xuất hiện với tốc độ lây nhiễm cao hơn cả Delta, lây lan cả với người tiêm 2 mũi, tăng nguy cơ quá tải hệ thống y tế và tử vong nhiều người.

Trong nước, dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt đợt dịch thứ 4 với biến thể Delta thâm nhập sâu, rộng trong cộng đồng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này. Số ca nhiễm, đặc biệt là cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm. 

Dịch Covid-19: Giảm ca nặng, tử vong vẫn cao - 1

Số ca nhiễm và tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu. Tỷ lệ tử vong của các nhóm tuổi trên tổng số ca tử vong là: 0-2 tuổi là 0,19%; 3-13 tuổi là 0,06%; 13-17 tuổi là 0,09%; 18-49 là gần 17,9%; 50-64 là khoảng 38,72%; trên 65 tuổi là 43,04%. Tỷ lệ tử vong tại TPHCM là 4%, An Giang 3%, Tiền Giang 2,7%, Long An 2%, Kiên Giang 1,8%. 

Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Tại TPHCM, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine. Tương tự tại TP Hà Nội, trong 9 tháng qua TP có hơn 570 ca tử vong, trong đó 85-87% số tử vong là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm. 

TPHCM hiện chỉ còn 10.000 F0, 200 ca nặng đang điều trị, số tử vong giảm xuống 6 ca/ngày. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm 2021, TPHCM là tâm dịch lớn nhất của cả nước, cũng là nơi khó khăn nhất vì là TP đông dân nhất (12-13 triệu dân). Trong quá trình này, cả nước dồn sức cho TP để tập trung chống dịch, đặc biệt là ưu tiên vaccine, trang thiết bị, ưu tiên những gì có được cho TP. TP lĩnh trách nhiệm cao cả phải ngăn chặn và đẩy lùi tâm dịch.  

Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là gần một tháng nay, TP mở cửa nhưng ca mắc giảm, từ chỗ đỏ đến xanh toàn bộ. Ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong của TP giảm xuống thấp. Thành quả này chính là từ "vũ khí" vaccine, vaccine được ưu tiên sớm cho TP, đặc biệt là mũi 3, mũi cho trẻ em.

"Từ kinh nghiệm của TPHCM, an toàn của TP trong thời điểm hiện nay, để thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc tiêm vaccine để an toàn trong mở cửa. Vì thế, chúng ta cần tập trung thần tốc, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine để có cơ sở mở cửa an toàn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine lớn. Khi mở cửa theo Nghị quyết 128, cả nước mới chỉ tiêm được hơn 42 triệu liều vaccine, chủ yếu ở các tỉnh diễn biến dịch nghiêm trọng đến nay chúng ta đã tiêm được hơn 152 triệu liều. 

Bộ Y tế đánh giá, nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, các tỉnh thành phố có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác.