Dịch Covid-19 bùng phát: Khẩu trang "có như không" nếu mắc phải sai lầm này
(Dân trí) - Việc sử dụng khẩu trang không đúng cách cũng giống như chúng ta đang tự vô hiệu hóa lớp phòng thủ vững chắc trước mối nguy hiểm luôn rình rập của virus SARS-CoV-2.
Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại nước ta. Trong điều kiện nguồn cung vắc xin chưa đủ để tiêm chủng ngừa cho toàn dân, đeo khẩu trang vẫn là một biện pháp thiết yếu để bảo vệ bản thân mỗi người và cộng đồng trước đại dịch.
Tuy nhiên, có một thực tế là không ít người dân hiện nay đang sử dụng khẩu trang không đúng cách. Theo các chuyên gia y tế, việc này sẽ làm giảm thậm chí mất đi khả năng bảo vệ của lớp "khiên" chống đỡ này.
Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi sử dụng khẩu trang mà chúng ta cần tránh:
Đeo khẩu trang ngược
Các loại khẩu trang y tế dùng 1 lần, thường sẽ được thiết kế 2 mặt với 2 tính năng hoàn toàn trái ngược nhau, cụ thể:
- Mặt ngoài (có màu đậm): Có đặc tính chống thấm giúp ngăn giọt bắn từ bên ngoài thâm nhập vào đường hô hấp của người đeo.
- Mặt trong (có màu nhạt): Có đặc tính thấm hút cao giúp hấp thụ giọt bắn của người đeo khi ho, hắt hơi, từ đó giúp mầm bệnh (nếu có) không phát tán ra bên ngoài.
Ngoài ra, ở mép trên khẩu trang sẽ có một thanh kim loại để người dùng có thể nẹp khít vào sống mũi giúp cố định khẩu trang và tăng độ kín.
Nếu đeo khẩu trang ngược (mặt đậm vào trong, mặt nhạt ra ngoài hoặc phần nẹp sống mũi nằm phía dưới) sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng của chúng.
Để hở phần mũi
Virus SARS-CoV-2 từ giọt bắn của người bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể người khác thông qua niêm mạc đường hô hấp. Do đó, việc đeo khẩu trang để hở phần mũi sẽ khiến cửa ngõ cho virus xâm nhập bị "bỏ trống".
Kéo khẩu trang xuống cằm
Việc mang khẩu trang trong thời gian dài dễ gây cảm giác khó chịu, bí bách. Do đó, không ít người có thói quen kéo khẩu trang xuống cằm để có thể hít thở thoải mái khi không ở nơi đông người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên do là bởi ở vùng da hở như cằm hoặc cổ có thể vô tình bị các giọt dịch chứa mầm bệnh bám vào. Lúc này, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt da nhiều giờ đồng hồ, nếu chúng ta kéo khẩu trang xuống vùng này, mặt trong của khẩu trang có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và chúng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta mang lại chiếc khẩu trang đã bị lây nhiễm này.
Chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang
Mặt ngoài của khẩu trang có thể ẩn chứa mầm bệnh SARS-CoV-2 từ người khác bám dính vào. Do đó, việc chạm tay vào bề mặt này sau đó lại cho tay lên mắt, mũi, miệng có thể khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm.
Dưới đây là hướng dẫn cách đeo/tháo khẩu trang đúng cách do Bộ Y tế ban hành:
Cách đeo khẩu trang
- Bước 1: Rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn trước khi đeo khẩu trang.
- Bước 2: Xác định phần trên, dưới của khẩu trang.
- Bước 3: Xác định mặt trong, ngoài theo đường may hoặc mặt đậm hơn ở bên ngoài.
- Bước 4: Đeo và điều chỉnh để khẩu trang che kín mũi, miệng đảm bảo không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.
Lưu ý: Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang trong suốt quá trình sử dụng. Nếu chạm vào phải rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Thải bỏ khẩu trang
- Bước 1: Khi tháo khẩu trang chỉ cầm phần dây đeo sau tai (không chạm vào mặt ngoài của khẩu trang).
- Bước 2: Bỏ khẩu trang vào túi kín (nếu có) và/hoặc bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín đối với khẩu trang dùng 1 lần.
- Bước 3: Rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Lưu ý: Thay hoặc thải bỏ khẩu trang sau: mỗi lần sử dụng hoặc khi bị bẩn. Tuyệt đối không dùng lại đối với khẩu trang dùng 1 lần.