1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch bệnh tái nổi luôn rình rập, đe dọa bùng phát

(Dân trí) - Tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, tả… đều là những dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi. Việt Nam trong những năm gần đây đều phải đối mặt với dịch bệnh này, như với dịch tả năm 2007, dịch cúm A/H1N1 năm 2009, tay chân miệng năm 2011…

Dịch nào cũng có…

Tại hội nghị khoa học toàn quốc Hội Y tế Công cộng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 12/10, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam 10 năm trở lại đây, bên cạnh những dịch bệnh có xu hướng giảm như uốn ván sơ sinh, bại liệt, bạch hầu, sởi… thì cũng có nhiều dịch bệnh tái nổi như tả, sốt xuất huyết, bệnh dại, rubella, tay chân miệng.
 
Dịch tả hoành hành tại miền Bắc Việt Nam với gần 2000 ca mắc năm 2007. Ảnh: H.Hải

Dịch tả hoành hành tại miền Bắc Việt Nam với gần 2000 ca mắc năm 2007. Ảnh: H.Hải

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện, mới phát hiện hoặc đã xảy ra trước đây nhưng tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Trong 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, với số mắc và tử vong tăng cao, trong đó tập trung nhiều ở khu vực châu Á và châu Phi. Một số bệnh truyền nhiễm mới nổi trên thế giới gồm: HIV/AIDS, SARS, cúm đại dịch A/H1N1/09, sốt xuất huyết Dengue, bệnh Tay chân miệng, Rubella, Dại, Liên cầu lợn, viêm màng não do vi-rút Nipah, Sốt xuất huyết do vi-rút Ebola, bệnh do Hanta vi-rút, bệnh Than, Viêm não do vi-rút truyền từ động vật….

Tương tự tại Việt Nam, theo phó giáo sư Hiển, sự gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm mới và tái nổi đang là vấn đề y tế công cộng nóng bỏng.
 
Tại Việt Nam, dịch bệnh tái nổi, trong đó có dịch tả “ghi dấu ấn” sâu sắc nhất bởi ở một thành phố lớn nhất nhì cả nước là Hà Nội đã phát hiện hàng nghìn ca mắc tả năm 2007 và Bộ Y tế Việt Nam đã phải công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vào cuối tháng 10/2007. Trước đó, trong đó hai năm 2005 - 2006 không ghi nhận ca bệnh tả nào trên toàn quốc. Tuy nhiên từ tháng 10/2007 - 2010 một vụ dịch tả lớn đã xảy ra tại khu vực miền Bắc Việt Nam, với nhiều đợt dịch và số mắc lên đến hàng nghìn ca bệnh. Đỉnh điểm số ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả là năm 2007 với hơn 1.900 ca mắc trong cả nước. Sau đó, dịch bệnh vẫn rải rác và giảm dần, xuống 886 ca năm 2008, 606 ca năm 2010…

Hay như bệnh sốt xuất huyết cũng rất phức tạp. Giai đoạn 2010 đến nay, số ca mắc SXH đã giảm so với những năm 1990, tuy nhiên dịch đang có xu hướng tăng trở lại trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo thống kê từ Bộ Y tế đến hết tháng 9, cả nước có gần 48.000 người mắc sốt xuất huyết, với khoảng 42 ca tử vong. So với năm ngoái số mắc và tử vong đều tăng hơn 20%.

Trong số các dịch bệnh tái nổi không thể không nhắc đến bệnh tay chân miệng. Căn bệnh này 2011, dịch bệnh này “hoành hành” với số ca mắc trong năm 2011 lên đến 113 nghìn ca bệnh với 170 ca tử vong tập trung chủ yếu ở ở miền Nam.

Bên cạnh đó, một số bệnh mới phát sinh cũng thực sự là một thách thức với công tác y tế. Dịch cúm H1N1 đại dịch xảy ra vào năm 2009 trên toàn cầu, trong đó nước ta cũng có 66 ca tử vong. Lần đầu tiên sau 41 năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đại dịch cúm ở mức độ 6.

Hay như dịch SARS, dịch nguy hiểm này chỉ xảy ra tại Việt Nam trong vòng 45 ngày (từ 23/2 - 8/4/2003), với tổng số 63 ca mắc, 5 tử vong (đều là nhân viên y tế). Rất may mắn, Việt Nam nhanh chóng không chế được dịch bệnh nguy hiểm này và từ 2003 đến nay không ghi nhận ca mắc mới. Cũng trong tháng 4/2003, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Không như dịch SARS nhanh chóng được không chế, dịch cúm A/H5N1 ở người vẫn luôn rình rập. Từ năm 2003 đến nay đã ghi nhận 8 đợt dịch trên người, với tổng số 123 trường hợp mắc tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 61 trường hợp tử vong (49,6%).

Nhiều bệnh có khả năng gây dịch lớn

Theo PGS Phan Trọng Lân, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, những bệnh mới nổi, không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân, khả năng gây đại dịch lớn. Trong đó, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người. 60% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật và 75% các bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật, ví như dịch cúm A/H5N1.
 
Đáng nói các bệnh truyền nhiễm mới nổi rất dễ gây thành dịch, như dịch sốt xuất huyết, tả, cúm A/H1N1, tay chân miệng hay rubella…
 
Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: H.Hải
Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: H.Hải
 
"Một trong những thách thức của bệnh mới xuất hiện là không có thông tin đầy đủ về đặc điểm dịch tễ học, tác nhân gây bệnh, phương thức lây truyền và cách phòng, chống. Trong khi đó, người dân dễ bị hoang mang khi nhận được những thông tin về số mắc, chết gia tăng", PGS Lân nói.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm nước ta có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong, chủ yếu là các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh do véc tơ truyền (sốt xuất huyết, viêm não, tả).

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, để phòng chống bệnh mới nổi, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Tăng cường sự chủ đạo của các cấp chính quyền trong hoạt động phòng chống dịch. Đồng thời tăng cường giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ cho cộng đồng, nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến… Đồng thời phải chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời, hướng tới xây dựng một hệ thống giám sát chủ động các yếu tố nguy cơ dịch bệnh…

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm