1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đi viếng đám ma làm cho bệnh ung thư di căn nhanh, tái phát?

Nhiều người truyền nhau rằng bị bệnh ung thư hoặc khỏi bệnh không nên đi đám ma, cải táng vì hơi lạnh người mới chết rất độc sẽ làm bệnh tái phát. Liệu có hay không việc đi dự đám tang làm cho bệnh ung thư di căn nhanh, tái phát?

Chị N.T.H ở Hà Nội tâm sự, cách đây 2 năm chị điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Cùng phòng chị có một người mắc ung thư vòm họng đã xạ trị một thời gian, sức khỏe cải thiện đáng kể.

Khi một người cùng họ mất, chị ấy về đi dự đám tang. Sau đó, chị lên Hà Nội xạ trị tiếp nhưng chưa hết đợt xạ trị, sức khỏe chị yếu hơn và kiểm tra sức khỏe thấy các khối u bỗng nhiên di căn rất nhanh.

Mọi người trong phòng đều cho rằng do chị đã đi đám ma. Từ đó, mọi người đều bảo nhau bị ung thư không nên đi đám ma. Dù không biết đúng hay sai nhưng bản thân chị Hà mấy năm nay điều trị xạ trị, căn bệnh ung thư của chị đã có tiến triển tốt và như nhiều người chị cũng không dám đến các đám hiếu vì lo sợ bệnh ung thư di căn nhanh hoặc tái phát trở lại vì "hơi độc" của đám ma.

Không có cơ sở khoa học để nói rằng đi dự đám tang làm cho bệnh ung thư di căn nhanh, tái phát. Ảnh chỉ mang tính minh họa 
Không có cơ sở khoa học để nói rằng đi dự đám tang làm cho bệnh ung thư di căn nhanh, tái phát. Ảnh chỉ mang tính minh họa 

Trong dân gian từ lâu vẫn quan niệm rằng, hơi lạnh tỏa ra từ người chết sẽ nhiễm vào những người đi đám ma, gây bệnh nếu cơ thể không đủ sức chống đỡ. Chính vì vậy, những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già đang mang bệnh, phụ nữ có thai, mắc ung thư… được khuyên không nên đi đám ma kẻo nhiễm hơi lạnh người chết.

Về mặt khoa học, liệu có hay không việc đi dự đám tang làm cho bệnh ung thư di căn nhanh, tái phát?. TS.BS Nguyễn Diệu Linh (Bệnh viện K TƯ) cho rằng, không có chuyện đi dự đám tang làm cho bệnh tế bào ung thư di căn nhanh hay bệnh ung thư tái phát trở lại.

Một trong những đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn. Ở giai đoạn sớm, nhiều loại ung thư có khả năng điều trị thành công cao và nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng. Khi đã chữa ung thư, người bệnh cần luôn tuân thủ việc tái khám.

Về trường hợp phát bệnh ung thư sau đám tang hay tử vong và di căn sau khi đi đám tang chẳng qua là trùng nhau chứ vía lạnh không có ảnh hưởng gì. Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào bởi không khí u buồn, nặng nề ở đám tang sẽ ám ảnh tâm lý. Khi bệnh nhân suy sụp, thể trạng yếu sẽ tạo cơ hội khiến tế bào ung thư càng phát triển nhanh chóng hơn.

Theo các nhà khoa học, ngoài việc tham dự một đám tang có thể làm ảnh hưởng tới tâm trạng, người bệnh vốn dĩ sức đề kháng kém nên khi đi đám ma dễ bị bệnh. Những người tử vong do bệnh là lúc vi khuẩn thoát ra nhiều nhất. Những người mắc ung thư khi đi đám tang không nên vật vã, đau buồn quá ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi tinh thần vững, sức khỏe tốt thì việc đi lễ hiếu này hoàn toàn không đáng lo sợ.

Bệnh ung thư hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhiều bệnh, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì khả năng chữa khỏi rất cao, có thể lên tới trên 90% như ung thư cổ tử cung, ung thư vú… Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Nhưng để chữa trị trúng đích cần phải xác định được đó là loại bệnh gì thì mới có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, mọi người cần tầm soát sớm, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời.

Theo Hà My

Báo Gia đình & Xã hội